Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Yêu người ngóng núi – Hồng Tâm

Những chuyến đi của Nguyễn Ngọc Tư dường như dằm dặn và tràn đầy qua những trang viết, chị không dừng lại ở một miền đất nào đó quá lâu nhưng cũng đủ để người đọc có được cái nhìn đôi khi góc cạnh, đôi khi thẳng và dài hun dút về con người và vùng đất mà dấu chân chị đã qua – đó cũng là cảm hứng chủ đạo trong cuốn tản văn mới nhất “Yêu người ngóng núi
yeu nguoi ngong nui Yêu người ngóng núi   Hồng Tâm
Là người phụ nữ gắn liền với mảnh đất Cà mau, Nguyễn Ngọc Tư mặc dù có rất nhiều cơ hội làm việc ở những môi trường tốt hơn vẫn nhất quyết không dời vùng đất quê hương mà chị đã gắn bó từ khi mới sinh ra. Đổi lại, thi thoảng chị có những chuyến đi, những chuyến công tác,  những chuyến thực tế và cả những chuyến lặng lẽ bỏ trốn một mình, chỉ là đi và viết. Trở về, những bài viết lên trang, và cứ thế, người đọc cảm  nhận, thấm dần từng bước chân, từng ánh mắt để rồi thấy toát lên nét đẹp của con người, vẻ tuyệt diệu của thiên nhiên hay chỉ đơn giản là những cảm nhận, những suy nghĩ đôi khi là ngược chiều trong xã hội bộn bề những lo toan của cuộc sống, của cơm ăn áo mặc…
Vốn dĩ chị Tư yêu những miền quê hơn hết thảy, thương những đống rơm, những khói lam chiều, những bà mẹ già đi lại quanh cái sân nhỏ, những đứa trẻ chạy long nhong ngoài ruộng đồng, những gì thân thuộc nhất và giản dị nhất. Cũng bởi thế mà có thể nói tình yêu trong câu chữ của chị là tiếng nói tỏ tình thắm thiết với những miền quê yêu dấu ấy. Nhưng ở trang viết đầu tiên trong 35 tản văn của chị, lại là một suy nghĩ là lạ, khách quan và cũng có gì đấy cảm thông cho những giá trị bị cuốn vào cái tên đô thị. Và chị bắt đầu bày tỏ nỗi niềm, “thương thành phố” : “ Nghĩ, thương thành phố, thấy thành phố sao giống cô vợ dại dột, sống với anh chồng thẳng thừng nói tôi không yêu cô, nhưng rồi đến bữa cơm, anh ta lại về nhà với vẻ mặt quạu đeo, đói meo, vợ vẫn mỉm cười dọn lên những món ăn ngon nhất mà cô có. Vừa ăn chồng vừa nói tôi không yêu cô. Ăn no anh chồng vẫn nói tôi không yêu cô…”
Khi rời xa quê hương và lên thành phố tìm kiếm một cuộc sống dễ chịu hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, con người ta không khỏi khắc khoải và quay quắt vì một miền  nhớ đã xa, nơi mà tuổi thơ đong đầy những ngọt ngào thần tiên, đong đầy những kỷ niệm êm đềm nhất. Nhưng liệu có phải vì thế mà người ta không thể yêu thêm thành phố, không thể chấp nhận là mình đang sống và được thành phố dành trọn vẹn tình yêu. Như có một nỗi ấm ức nào đó đang dâng lên, liệu rằng ta có thật sự nhớ hay chỉ là cảm giác mặc cảm mình đã phụ rẫy, đã chạy trốn mà ta buột miệng nói nhớ cho quê đỡ tủi, cho mình đỡ thấy áy náy, như một niềm an ủi gửi lại nơi chân trần xối nắng?
Tản văn chị Tư viết luôn là những trăn trở về sự chuyển biến của xã hội với tốc độ chóng mặt ngày nay, khi mà ta vô tình đánh mất thói quen tìm về những giá trị chân thực và đậm nét cổ xưa. Đó là hình ảnh một bà má già với những kinh nghiệm của cuộc đời sống hơn 70 năm đang dần bị lãng quên, cũng như biết bao người già khác trong đời sống hiện đại này. Người ta quên dần những mẹo vặt dân gian, những lời nhắc nhở của ông bà hay đơn giản là quên mất thói quen tìm đến họ để hỏi cái này thì làm thế nào, mỏi lưng, nhức đầu thì chữa mẹo ra sao. Thay vào đó, chúng ta tìm trên internet, mọi thứ đều sẵn sàng và cập nhật, thật dễ dàng và nhanh gọn. “Má, con và…” đã dấy lên trong lòng người đọc một hồi chuông, phải chăng chúng ta đang để những thư viện sống chìm dần vào quên lãng?
Nhớ ơi nguội bớt cho nhờ với” là một trong những bài viết đặc sắc nhất của cuốn này, nó đặc biệt không chỉ bởi cái tên, mà còn độc đáo trong từng miêu tả, từng cách dùng từ của tác giả. Chị nói chuyện về sự nhớ, sự quên của cuộc đời này đơn giản và nhẹ tênh như người ta uống một tách trà nóng. Nhưng cũng chính vì nhẹ tênh mà nó để lại sự hẫng hụt lớn lao qua từng câu chữ. Chuyện một chị bạn có anh chồng bội bạc bỏ đi sống với người phụ nữ khác, chị ấy hẳn rồi, sẽ đau khổ dài dài, những kỷ niệm về anh chồng kia cũng thật khó phai mờ, kể cả khi đó là nỗi đau, và người ta sẽ chính vì càng hận thù mà càng không thế quên. “Cây dao lụt của anh chồng, thời gian đã làm mòn tận cán, nhưng hình ảnh anh trong ký ức, tự nó cũng gây đau..”
Chị Tư đến Tam đảo như một chuyến hẹn hò với mây mù, một lời hứa tặng cho người chang chang đồng bãi Tây Nam Bộ một ít mộng mị, đa cảm của mình. Đó là hình ảnh những con người sống nơi đây, thật chẳng dễ chịu gì khi nhìn thấy cô gái đứng khóc bên đường, thấy ông già bảy mươi tuổi cắp thùng nước đá đi về gần mười cây số để kiếm sống, thiếu vắng nụ cười… Một thị trấn sạch sẽ, phẳng phiu đến đơn điệu, vô cảm, phố chỉ rặt khách sạn và quán ăn, tưởng như nó sẽ mãi chỉ là chỗ dừng chân hạn định của dòng người bất định, và “ Còn lại chỉ  mây mù”
35 mảnh ghép tạo nên một bức tranh đa dạng nhưng không hề hỗn tạp bởi màu sắc độc đáo và nội dung mới mẻ. Văn phong của Nguyễn Ngọc Tư luôn giữ được chất phóng khoáng trữ tìnhNambộ, những trải nghiệm thể hiện ở lối suy nghĩ và tính đa chiều của câu chữ. Cá tính thể hiện ngay ở cái cách mà chị giới thiệu về bản thân mình : “Đen , buồn và hơi khùng”, người đọc hiểu và mong đợi ở chị nhiều cũng vì thế..
Người ta sẽ không khỏi băn khoăn tại sao một người phụ nữ luôn bám chặt lấy mảnh đất Cà mau kia lại có những nghĩ suy bất tận và nhiều góc cạnh đến vậy. Những câu chuyện cứ kể hoài, kể mãi không dừng về Đất, về Người, bước chân cứ đi và đôi bàn tay nhỏ bé ấy cứ tô tô vẽ vẽ cho đời sống ngược xuôi này. Bởi thế người đọc luôn dõi theo, chỉ lặng lẽ thôi và chờ đợi chị trở về từ những chuyến đi, chờ đợi và đón nhận những bài viết của chị như mong ngóng một người đưa thư tận tuỵ từ vùng đất xa xôi ấy…
Hồng Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog