Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

Đạo đức trong văn chương

Đạo đức nhà văn không chỉ là ở cách sống, cách ứng xử với nghề nghiệp, sâu xa hơn, nó chính là động cơ sáng tác của anh ta. Khi cầm bút, tức là nhà văn công khai bày tỏ thái độ của mình trước cuộc sống. Anh ta có quyền phẫn nộ, có quyền hân hoan, có quyền ngợi ca và cũng có quyền phê phán. Mọi thái độ đều có thể được chấp nhận, miễn là phía sau nó dung chứa một tinh thần xây dựng nhân đạo. Văn chương có thể mổ xẻ sự sa đọa, sự tàn lụi của một thể chế, một cá nhân, nhưng dứt khoát không phải để thanh toán cho những ân oán giữa các cá thể.
moral good Đạo đức trong văn chương
Vậy mà đó đây vẫn xuất hiện những trường hợp văn chương được viết bởi lòng căm hờn, oán thán. Có những người bỏ công ra để viết một cuốn tiểu thuyết, một truyện ngắn, một bài thơ chỉ vì muốn “thanh toán” với ai đó, với tập thể nào đó, với chế độ nào đó và hoàn toàn chỉ là “thanh toán” thế thôi, cho hả giận. Đây thực sự là xu hướng cần phải báo động bởi nó dẫn tới tình trạng tha hóa nhân cách nhà văn và tệ hơn, nó dẫn dụ văn chương lệc cốt sang sự tàn nhẫn, phũ phàng, phi đạo đức. Nhà văn không bao giờ viết bằng sự oán hờn bởi vì thiên chức của anh ta là mổ xẻ đời sống với lòng bao dung vốn là bản chất của anh ta, dù bản thân anh ta có thể là nạn nhân của đời sống đó.
Oán thù không làm cho nhà văn lớn lên, trái lại nó khiến văn chương bị suy đồi theo đúng nghĩa tồi tệ nhất của từ này. Khi một tác phẩm được viết ra bởi động cơ oán hận, dù với một chế độ hoặc với một cá nhân cụ thể, thì nhân cách nhà văn, kẻ viết tác phẩm ấy, sẽ nhỏ lại theo tỉ lệ nghịch với độ dài và sự uất ức ẩn chứa trong tác phẩm đó. Và hơn ai hết, trong trường hợp ấy. chính tác giả sẽ là nạn nhân đầu tiên, vì anh ta đã vi phạm đạo trời, nếu chúng ta nhất trí với nhau rằng tài năng văn chương là thứ trời cho.
Những tác phẩm văn học thứ thiệt là những tác phẩm khi bóc đi sự gai góc, sự lạnh lùng bề ngoài, người ta thấy cái lõi của lòng thương yêu đối với đồng bào mình. Đạo đức của nhà văn xét cho cùng là lòng thương yêu. Chưa từng có một tác phẩm văn chương lớn nào tồn tại mà bên trong nó chứa nọc độc của sự oán thù. Nếu văn chương chỉ thuần túy dùng để “thanh toán” thì loài người đã tuyệt diệt từ những trang viết đầu tiên và lai lịch nhà văn sẽ là lai lịch của những rủa nguyền.
Văn chương được kính trọng bởi nó là vũng nước thanh khiết cuối cùng để con người soi mình vào đó. Nó là nơi cho những kẻ thất bát đến ngồi cạnh nhau để thấy rằng mình vẫn còn thứ mà gặt hái trên cõi đời này, đó là hơi ấm đồng loại. Ở cái chốn ngơi nghỉ kín đáo cuối cùng của lương tri ấy mà lại cắm ngược lên một mũi dao nhọn thì xem ra còn xóc óc hơn cả tội ác.
Văn Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog