Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Chiều thu muộn và cảm xúc sân ga

Những ngày mùa thu xứ Bắc đang đến. Âu lo trôi tuột đi khi trời vàng nắng, trời có gió xanh và cảm giác thư thái khi nghĩ rằng đang có cốm tươi, sen nở cuối mùa và sấu bắt đầu chín vàng ngoài ngõ.
Hà Nội mùa thu này có vẻ lạ lắm, lạ đến mức thấy nỗi luyến nhớ bắt đầu dai dẳng dần theo những con phố rất dài và ngược gió. Muốn ôm một ai đó bất kỳ gặp trên phố. Muốn hôn một nụ hôn ở sân ga, nơi mà những cuộc tiễn đưa, gặp gỡ đang rộn ràng thì những gì gắn chặt vào với nhau thật thiêng liêng và ý nghĩa.
station Chiều thu muộn và cảm xúc sân gaMình muốn…
…bước lên một chuyến tàu Bắc Nam, lặng lẽ ngồi xuống, lặng lẽ nghe tiếng còi tàu rúc lên và dần chuyển bánh. Mình luôn có cảm giác tàu đang đi ngược phía mặt trời vào khoảnh khắc chiều muộn như thế này. Nhìn những cảnh vật trôi vun vút phía sau, tàu tăng tốc dần và cơn gió thu bắt đầu thấm lạnh. Đã nhiều lần đi chiều Nam Bắc nhưng chưa bao giờ đi theo chiều ngược lại. Mình luôn thấy mình trong cảm giác mông lung của cảm giác đi hay về. Chiều nào mới thật sự là chiều của cảm xúc dành cho nơi thân thuộc.
Mình thấy…
…đôi khi muốn và được không dễ dàng như thể hai tay có thể chạm vào nhau. Có hai bàn tay đã rất lâu không chạm vào nhau, dù là nỗi nhớ cứ chạm vào nhau chan chát. Hiện thực quay trở lại, mình thấy mình lang thang hoàn toàn cô độc trong một buổi chiều thu muộn của ga hàng cỏ…
Không chờ ai, không đón ai, không đợi gì….
Chỉ thấy nhớ…
Tada

Tiểu thơ ngàn vàng

Năm tui hai lăm tuổi, tía tui đòi cưới dâu. Tía quá chán cái kiểu cặp bồ lông bông, theo mùa của tui rồi. Hồi đó nóng nực tui ôm một con nhỏ chưa đầy mười tám tuổi nhưng nung núc mỡ, sờ đến đâu mát lạnh lịm người đến đó. Chuyển đông tui hẹn hò với cô bán vải  người đơ như ma nơ (canh), được cái thịt da nóng hôi hổi. Sang thu cảnh vật buồn buồn tui xùm con nhỏ bưng bún riêu tính hồn nhiên giỡn hớt suốt ngày. Chừng đến xuân thì tui đã kịp thay bà bồ mới, lớn hơn tui đến ba mươi tuổi, lý do là Tết nhứt mà được quan tâm che chở, được sắm quần áo cho mặc, cũng đỡ bơ vơ. Tui mồ côi mẹ từ nhỏ mà.
lang que Tiểu thơ ngàn vàng
Nhưng tía tui nói lấy mấy con đàn bà ấy thì tán gia bại sản mấy hồi. Dùng chữ gia sản cho sang, chớ tía tui bán cà rem còn nghề của tui là chạy SH. Nghề đó không kiếm được nhiều tiền, nhưng kiếm nhiều gái. Ngặt cái tui chưa kiếm được ai ngon lành, mà lại có cái tính có một đồng tám thì kiếm thêm hai xu cho chẵn hai đồng, như tía tui đòi. Thời may một lần lượn SH qua ngã bảy Chuồng Bò thì gặp Út Nhái Bầu.
Tui quen Út Nhái Bầu lúc em làm nghề tiểu thơ, con của việt kiều Pháp với cái tên Huỳnh Băng Băng Tuyết Tuyết. Quá sức diễm lệ. Cái tên làm người ta mê ly quên chân em ghẻ chóc như cò lông bông, da em đen như lỏi tràm bị cháy. Tía tui nghe nói phẩy tay,quan trọng gì, tắt đèn thì trắng như bông bưởi cũng thành than. Có vẻ tía tui ưng cái gia cảnh hết sức hoành tráng của Út, dù tay chân em ngắn khụi nhưng bù lại em có cái biệt thự ba tầng náu giữa vườn cây ở quận trung tâm thành phố. Em hay than vãn trong lúc quét lá trong sân, nói ở thì không hết bán cũng không biết xài gì cho hết. Cho nên em cứ như con cá vàng mắc cạn trên bãi vàng vậy. Trai bu theo em rần rần nhưng nhờ tui có SH nên gạt tụi nó văng ra thê thảm.
Hồi yêu Út Nhái Bầu tía tui cực kỳ hài lòng vì tui không tốn tình phí, không cần ngồi quán xá. Út nói ăn uống chi cho tốn, cứ ngồi nhà em uống nước lả ôm nhau thôi. Tui chưa thấy con gái nhà giàu nào mà sống giản dị như Út, chẳng chưng diện gì cho cái nhan sắc nghiêng thúng đổ cá hết. Cả cái tính tằn tiện vắt chày ra nước, vắt đất thành đá của em cũng hợp ý tui, và nhất là làm vừa lòng tía tui.
Ta nói, Út Nhái Bầu như là con đẻ của tía tui vậy, cũng nói ít, nói cụt lủn vì sợ tốn hơi. Tới bây giờ tui vẫn ngây ngất nhớ những lần cưỡi SH đi ra đầu hẻm uống trà đá (đi xa hao xăng lắm, nàng biểu vậy), uống cạn nước, em xin cái túi trút mấy viên đá còm đem về. Thuốc tây hết hạn xài, ai cho em cũng lấy. Ấy ấy ấy (chuyện mà ai cũng biết là gì đấy) xong, em cứ bò theo dấu mà nắc nỏm tiếc hùi hụi tụi loăng quăng, nói là tui hoang phí, “Xài hết rồi mai mốt lấy gì xài ?”. Y chang tía, đang ăn đám giỗ mà mắc ị tía cũng chạy về vỗ béo cá tra, bữa nào tía cắt con cá khô kèo ra làm bốn ăn với bốn chén cơm.
Ấy vậy mà vài lần tía bấm bụng dúi cho tui chút tiền gọi là “đầu tư có trọng điểm”. Lần đó tui đưa Út Nhái Bầu đi ăn tiệc tự chọn. Em quyết định nhịn đói từ ngày hôm trước, lả bước đến nhà hàng và ra về với cái bụng căng lặc lè, tiếp tục nhịn đói ngày hôm sau. Em nói em ợ lên cũng đủ no rồi. Nói rồi em ngỏn ngoẻn cười phô ra cái hàm răng vàng khè vì “đánh răng chi cho tốn hao, bọt kem phải phun ra chớ có nuốt được đâu”. Nhưng tui vẫn có thể say đắm em, khi lanh trí đồng hóa màu của bợn răng nàng với vàng, vừa hôn vừa nghĩ cái nhà này chắc bán được ba ngàn lượng.
Tui đoán trúng phóc. Biệt thự bán ba ngàn lẻ chín lượng rưỡi vàng. Út Nhái Bầu được phần lẻ, cái rưỡi ấy, tổng cộng là năm chỉ. Đó là tiền công em giữ nhà, quét giáng nhện giùm cho gia chủ. Nhà chính thức của em cất trên kinh Bà Cú, là hai chiếc ghe bể ghép lại. Khỏi phải nói tui thất vọng đến mức nào, tía tui sụp đổ ra sao. Bữa chia tay còn thê thảm hơn, khi em nói chọn tui vì SH. Út Nhái Bầu đâu biết đó là tía đầu tư có trọng điểm cho tui, SH sắm bằng tiền bán đất. Út Nhái Bầu nghe xong mặt cắt hong còn hột máu, bọn đàn ông đeo Út hồi trước chạy Cub mà nhà bán súp, chạy Honda mà nhà đại lý gas, chạy xe đạp mà nhà có rạp xuồng. Còn tôi, trụi lủi cái SH thôi.
Tui hận ông. Út Nhái Bầu chép câu đó từ phim Đài Loan, vừa khóc vừa bỏ chạy thướt tha y như Lưu Tuyết
Hoa còn tui đứng chần dần như Tần Hán.
Vụ chia tay ướt nhẹp đó xảy ra năm trước mà như mới cái độp. Nhất là khi Út Nhái Bầu lù lù bước vô nhà tui để đưa cái thiệp mời sinh nhật. Mồ hôi lả chả vì mời năm trăm cái thiệp bằng xe đạp cho đỡ hao xăng, tới nhà tui thì Út thở không ra hơi. Em gầy rộc nhiều, chắc cả tháng nay phải nặn óc để moi móc cho bằng được những người từ thân thuộc cho đến thằng cha vô tình quen trong lúc xếp hàng mua đồ giảm giá, dù họ có ở góc nào, trời nào, và đem thiệp mời đi thu hái. Vụ đó thì tía con tui rành quá mà.
Nhưng Út Nhái Bầu còn vượt ra khỏi trí tưởng tượng của tía tui, khi ghi trên cái bìa thiệp “Huỳnh Băng Băng Tuyết Tuyết – Nấu cơm trưởng của hãng nước đá – Cháu vợ chú bác của phó công an phường Cây Mít”. Con nhỏ cụt ngủn mà có đầu óc, tía tui dù hận vụ mất ngàn lượng vàng, nhưng vẫn buột miệng khen. Và ông già dường như không nén được cơn phấn khích, khi biết Phù Nhi, nhân vật chính của buổi sinh nhật năm trăm khách ấy là một nàng… chó.
Mèn đét ơi, con nhỏ này đáng giá ngàn lượng vàng, tía con mình ngu tối quá nên giờ mới nhận ra, tía tui quýnh quáng nói vậy rồi hối tui mau mau kiếm Út Nhái Bầu để nối lại tình xưa. Người vẫn đi chưa xa đâu.
Nguyễn Ngọc Tư

Nơi chốn của cô đơn

cafe Nơi chốn của cô đơnLần gần đây nhất về thăm lại xóm cũ ở hẻm nhà thờ Thăng Long, Quận 11, tôi đảo mắt tìm lại ngôi quán vốn là chốn đầu đời tôi đã vạ vật, làm quen với cà phê đắng không đường và thuốc lá. Quán nằm ngay tim con đường thẳng Nguyễn Kim trổ ra Ba Tháng Hai, thời tôi học trường trung học Hùng Vương, Sài Gòn còn vắng xe và vì thế tôi và lũ bạn có thể lao thẳng từ Nguyễn Kim sang bên này đường mà không sợ tai nạn. Quán tên Khánh, bây giờ không còn, nó cũng mới mất đi đây thôi để thay bằng tiệm bán đồ điện. Khánh, là nơi chứng kiến những ngày ủ rũ nhất trong đoạn đời mới lớn của tôi. Khánh, những chiếc ghế mây đó, những ấm trà nguội đó, đã lưu lại những giọt lệ đắng cay của tuổi trẻ cô đơn. Khánh, chứ không phải bất kỳ nơi nào khác, giờ nhắc lại với lũ bạn xưa, đứa nào cũng bồi hồi nhớ và mắt đỏ hoe.
Đó là nơi chốn của cô đơn. Làm riêng cho nỗi cô độc, làm riêng cho những thân phận phải chịu lẻ loi vì bất kỳ lý do nào, làm riêng cho tuổi mới lớn hoang mang, làm riêng cho thế hệ tôi – thứ thế-hệ-giao-thời, bao giờ cũng quẫn bách và buồn rầu, làm riêng cho những thằng con trai chưa bao giờ dám cầm tay bạn gái, làm riêng cho những mơ ước bị nén chặt, bị dồn tụ, bị bào mòn bằng cà phê đắng và thuốc lá đen mua bằng tiền nhịn ăn sáng. Đó là nơi chốn của lưu đày.
Cuộc lưu đày tự nguyện và đáng yêu.
Vâng. Nơi chốn đó, giờ tưởng tượng lại vẫn cứ nguyên niềm xúc động của ba mươi năm trước. Khánh.
Khánh, tầng trệt một căn phố lầu bề ngang quãng già ba mét, quán ở phía ngoài, ngăn cách gian trong bằng một mành mành kết bằng những ống nhựa thành hình củ ấu. Khoảng vỉa hè chiếm hết để dựng xe đạp, thời ấy chưa có trật tự lòng lề đường đi biên phạt, mà cũng chẳng có gì để phạt: mấy chiếc xe đạp cà tàng dựng sát vào nhau, chủ nhân của chúng là những thằng con trai mặt non choẹt túi lúc nào cũng rỗng. Án ngữ lối vào gian trong là một quầy bar ốp dây mây, trên mặt quầy, một máy cassette mono phát nhạc Tây cũ, Christophe, Sheila, Sylvie Vartan. Khoảng sáu bảy bộ bàn ghế mây, hay là ít hơn, chắc độ bốn bộ, vì tôi nhớ khách bàn này ngồi khá xa bàn kia, không nghe được câu chuyện của nhau. Mà chúng tôi có ai nói gì đâu. Im lặng nhìn từng giọt cà phê sóng sánh xuống tách thủy tinh, im lặng hút thuốc, im lặng mở vở ôn bài, im lặng nhìn nhau, im lặng khóc. Những tiếng khóc cũng thầm lặng, chẳng đủ làm phiền ai. Thời ấy chúng tôi đi nhẹ nói khẽ, có hùng hổ học làm người lớn thì cũng chỉ dám gác chân lên bàn là hết, hay là nối điếu thuốc cũ vào điếu mới cho ra vẻ nghiện nặng là hết. Im lìm. Như những hình nhân bằng giấy yếu đuối. Và Khánh, cùng với những bản nhạc tình từ máy cassette, đã dung dưỡng các hình nhân ấy, không phán xét, không làm nghiêm, không khinh rẻ.
Thuở ấy, tôi, Minh, Nghĩa, Toàn, chiều nào cũng chiếm một bàn ngó mông lung ra phố. Bốn đứa hùn nhau thì mua được một gói thuốc và đủ trả bốn tách cà phê đen. Ngày tạnh cũng như ngày mưa dầm, vẫn vị trí ấy, chiếc bàn ấy, bốn ghế mây ấy. Chúng tôi ngồi mòn thâm cả ghế, đinh long ra móc xoạc áo quần. Nơi chốn nào có chúng tôi, chỗ ấy dường như buồn bã hơn, hay là chúng tôi nghĩ thế chứ nhạc trên quầy vẫn ồn ào La plus belle pour aller danser vẫn tươi tỉnh Tous les garçons et les filles có gì buồn phiền ủ rũ đâu. Cô chủ tiệm Khánh vẫn diện váy hoa ngồi quầy két. Những bàn bên vẫn kín khách đến nghe nhạc. Phố vẫn nắng hoặc vẫn mưa. Nơi chúng tôi ngồi, là chúng tôi đem cô đơn đến. Đem lặng lẽ đến, đem sự rỗng không của mình đến. Ám vào tiệm quán.
Thế mà giờ Khánh không còn, tức là khi tôi thấy mình cô đơn, thấy mình rỗng không, thấy không muốn nói cười không muốn giao tiếp, thấy không cần chạm mặt ai quen, thấy chẳng thể san sẻ, thì tôi cũng không còn Khánh để mà ghé vào. Để mà qua một chiều muộn có mưa rơi hay có giông tố. Để chìm đắm trong nỗi cô độc. Không còn chỗ nào như thế nữa.
Khánh của ba mươi năm về trước giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Trong khi ấy, nỗi cô độc như một căn bệnh bất trị, cứ thỉnh thoảng lại hiện ra. Hiện ra một cách, nói sao nhỉ, cũng khá là đáng yêu…
 Quốc Bảo

Gửi ngày Tết theo những cánh thư…

Phố xá quê nhà đã rộn ràng không khí đón mùa xuân mới qua những khúc nhạc vui tươi; những cành mai, cành đào chớm nụ…
Còn bạn, hiện giờ, bạn ở đâu, ở những nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất hay múi giờ chỉ lệch nhau vài tiếng gõ kinh kong…? Bạn đang làm gì, ngập chìm trong bộn bề công việc – sách vở và ngập đầy nỗi nhớ…
Tết đến. Là ngày những đứa con xa háo hức, hớn hở về nhà, sà vào lòng cha mẹ như ngày thơ bé, trang nghiêm thắp nén nhang thành kính với tổ tiên. Là ngày những món ăn truyền thống được chăm chút, tỉ mẩn, dọn bày thay cho những vội vã thường nhật. Là ngày sinh nhật chung mà ai ai cũng được chúc thêm tuổi, thêm niềm vui, thêm thành công, thêm hạnh phúc
Bạn có nhớ về tấm bánh chưng, đĩa củ kiệu, nhớ mùi hương trầm thoang thoảng, nhớ tà áo dài tha thướt, bông mai vàng rực nắng hay cánh đào phai dịu dàng. Bạn ở xa, mùa Tết này lỗi hẹn nhưng chắc chắn tâm tưởng bạn vẫn nghe, vẫn cảm, vẫn nhận ra đâu đây âm hưởng, hương vị tết quê nhà.
love letter for you Gửi ngày Tết theo những cánh thư...
Và chúng tôi cũng đang lắng nghe tiếng lòng của bạn. Bằng những cố gắng của mình, màu Tết, hương Tết, cảnh Tết, hồn Tết chúng tôi đang gửi đến các bạn. Hãy gửi về cho chúng tôi những lá “thư phương xa”, những bâng khuâng hoài nhớ, những việc bạn đang làm để dịu lòng, những nụ cười xum họp bạn bè, những giọt nước mắt lặng lẽ lặn vào lòng những ngày này. Chúng ta sẽ cùng chia sẻ, cùng đón Tết…
Theo Tuổi trẻ

Mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thầy

Năm hết tết đến, nhiều người Việt nhớ câu thành ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Câu thành ngữ phản ánh một nếp sống đẹp của người Việt ở thời điểm tống cựu nghênh tân. Nếp sống ấy đã thành quen thuộc, thành cha truyền con nối nên có thể có người không nhớ câu này, song họ vẫn sống theo lời dặn dò của cổ nhân trong câu thành ngữ.
hoa mai vang Mồng một Tết Cha, mồng hai Tết Mẹ, mồng ba Tết Thầy
Tục xưa, con cái trưởng thành ở riêng hoặc đi làm ăn xa chẳng hạn về quê trong dịp Tết Nguyên đán, sáng ngày mồng một vợ chồng con cái anh em ruột thịt về nhà cha chúc thọ cha mẹ và ông bà bên nội. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó đến hàng em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khoẻ và những điều tốt lành. Ông bà cha mẹ bên nội chúc tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều goị là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.
Sang ngày mồng hai Tết, vợ chồng con cái ở riêng hoặc đi làm ăn xa nay có dịp về quê ăn Tết nhớ sang nhà ông bà cha mẹ bên ngoại. Nghi thức chung cũng tương tự như bên nội. Con cháu chúc tụng ông bà cha mẹ và ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều tượng trưng.
Sau những nghi thức vừa trang trọng vừa đầm ấm thân tình như thế, ông bà cha mẹ con cháu thường tổ chức ăn cỗ Tết đông vui. Nghi thức chúc Tết và ăn ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người, đặc biệt là tuổi thơ về hạnh phúc gia đình đầm ấm, có trên có dưới, đầy đủ, viên mãn. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại – cái gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.
Sang ngày mồng ba, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo. Không chỉ có các học trò học chữ đến với thầy dạy chữ mà thầy được người Việt mở rộng nghĩa là những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát…
Người Việt có một câu thành ngữ chân phương, nôm na nói về vai trò người thầy là “Không thầy đố mày làm nên”. Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời mình trước nhân quần xã hội là người thầy. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ.
Ngày xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh – những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.
Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.
“Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Thực ra câu thành ngữ đã rút gọn của câu nói bình thường dài lời hơn: mồng một đến chúc tết cha, mồng hai đến chúc tết mẹ, mồng ba đến chúc tết thầy. Phong tục chúc tết ấy bắt nguồn sâu xa từ tinh thần trọng đạo nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”.
Theo Saigonnet

Giao Thừa – Nguyễn Ngọc Tư

Đã thấy mấy vạt hoa vàng loè xoè, đã thấy những trái dưa hấu bóng mẫy thẫm xanh chất tầng tầng trên chợ. Thế là Tết thật rồi. Tết cứ làm người ta nao lên nôn nóng ngóng chờ, rồi lại nuối tiếc cho tuổi xuân qua. Chợ Tết chạy dọc theo các vỉa hè quanh ngã năm, bán toàn dưa với hoa. Vô tình chỗ Đậm bán đối diện với khu nhà đẹp nhất, cao nhất và sầm uất nhất thị xã. Sau lưng, cách một lớp chì gai oặt quẹo là một bãi cát trống, cỏ xanh theo gió chạy líu ríu từng triền, từng triền mải miết. Cánh bán dưa ra chợ từ 20 tháng chạp, chở từ sáng tới khuya, hịch hụi. Lúc nghỉ mệt tay chống hông ngó qua. Những ngôi nhà cao. Những bảng hiệu sặc sỡ. Đèn đủ thứ mầu. Sang quá. Người ta đợi tết để trang hoàng cho thật đẹp, mà càng đẹp thì cánh bán dưa trong ruộng ra càng buồn. « Biết chừng nào mình xây được cái nhà cỡ đó hen? » . « Bán dưa, làm ruộng cỡ 40 năm ». «Giỡn hoài, cỡ đó thì xuống lỗ rồi còn gì » . « Ừ »…
van tho Giao Thừa   Nguyễn Ngọc TưChỗ Đậm ngồi dưới tán cây còng bị tỉa nhánh chỏng chơ như bàn tay cụt. Bên trái là vạt bông của ông Chín từ miệt Sa Đéc xuống. Và chỉ Đậm là ngồi bán một mình chứ người ta chồng vợ đùm đề, xoong nồi lủ khủ. Ngày đầu cô chất dưa chưa khéo, dưa cứ ỷ mình tròn, lăn long lóc ra đường. Dưa lăn, người hì hục đuổi theo. Xe cộ giáp Tết đông nghẹt, người ta cười, người ta cằn nhằn. Tủi cực trào lên như người ta nhận cái thùng vô lu nước đầy. Đậm lầm lũi khóc nghẹn. Đậm 29 tuổi, hơi đen, trên khuôn mặt lam lũ còn sót lại chút duyên ngầm. Chưa thấy chanh chua như đã từng quen chợ. Lúc chở dưa ra, có anh chàng trẻ tuổi cao lỏng khỏng, nước da đen lùi, lúc cười chỉ thấy hơi hới hàm răng, chạy tới làm giúp. Kéo tấm ni-lông che nắng, chặt mấy cây chuối đem ra bao lại cho dưa khỏi lăn, anh chàng cũng giúp. Đậm nằng nặc bảo thôi đi, anh chàng cãi cố: « Tôi tiếp cho, có sao đâu ». Quần anh chàng lấm nhớt, tóc bù xù đỏ quạch như rễ vú sữa. Già Chín bán bông thắc mắc :
_ Con gái ơi! Bác thấy thằng đó hiền khô hà, ai vậy?
Đậm bảo:
_ Tên Quí, chạy xe lam, ở xóm thôi, bác à.
_ Chà, giỏi, tốt thiệt. Làm hăng vậy tính kiếm tiền để cưới vợ hả?
Anh chàng nghe lóm, cười chéo mắt:
_ Có ai đâu mà cưới, bác.
Ông Chín cười khà khà, vuốt chòm râu cụt ngủn.
Cái nắng xuân kỳ lạ, không gay gắt đỏ, không nhàn nhạt như nắng chiều hè mà vàng thắm thiết như mầu bông sao nhái. Bấc lồng lộng lẫy qua từng ngọn cỏ sau chợ, mang theo mù mịt cát. Mặt mũi đầu tóc Đậm lúc nào cũng nham nhám như hột me rang cát. Người ta quần là áo lượt kìn kìn chạy qua mà chợ dưa với hoa vẫn chưa sôi động. Năm nay dưa trúng mùa cả núi vầy ăn gì cho hết. Người ta nán đợi tới ngày rước ông bà, lúc đó coi dưa có rẻ hơn bây giờ không. Những người bán ngồi chéo queo, buồn teo. Bông vạn thọ, bông cúc trái nết nở bung từng khóm, lái bông than như bọng : « Năm nay chắc thua rồi ».
Đậm bắt chước cánh lái dưa xóm Vàm Xáng, đi chợ mua xấp liễn dán dưa cho bắt mắt khách, tiện thể mua cho bé Lý bộ đồ. Mứt gừng, mứt dừa ở nhà má làm rồi để coi mua gì thêm. Má thì thích bánh ngọt. Con út thích cắn hột dưa, Đậm mua mỗi thứ vài trăm gam. Về khui ra thấy bộ đồ bé Lý hơi lớn, nhưng không sao, lớn thì mặc tới năm sau. Già Chín hỏi : « Đồ ai mà bây ôm ấp vậy ? » . Đậm bảo của con gái con. Hỏi thêm một chút về ba của đứa nhỏ, Đậm cúi mặt thưa : « Không có ». Nghĩa là không có. Ông Chín không phăng tới nữa. Ông già rồi, lăn lộn trên đời, ông biết chắc có chi lầm lỡ. « Con lầm lỡ tới mức phải bỏ nhà đi luôn đó, bác Chín à. Tới lúc ba con buồn rồi chết, má mới rước con về. Bây giờ, có cực khổ thế nào con cũng ráng chịu, miễn sao năm tháng cuối đời má con vui. Mà, chắc bù bi nhiêu cũng không đủ ». Sau này, Đậm mở lời. Giọng Đậm khao khao. Cô thấy mình giống như cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn.
Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi. Đàn ông con trai coi được một chút mới lòng vòng ở ngoài đã nghe thiên hạ rần lên : « Thứ gái hư đâm đầu vô làm gì ». Ai mà muốn, chỉ tại còn nhỏ, thấy gió yêu gió, thấy hoa yêu hoa, đam mê bồng bột. Nghĩ mình học chưa tới đâu nhưng là học những bài học bự nhất, đắt nhất. Đếm đi đếm lại chỉ còn Quí, khi biết được còn mỗi Quí thì Đậm đã sắp 30. Nhà Quí ở Lung Giữa, Quí gửi xe sân nhà cộ Làm một vài chuyện nhỏ như chở Đậm đi chợ không lấy tiền, tiếp Đậm cất cái nhà củi… thì cho là có qua có lại đi. Nhưng ánh mắt Quí ngày càng nồng nàn trói buộc, bắt Đậm phải day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ. Quí trai tơ, chưa vợ, lại nhỏ hơn Đậm gần 4 tuổi. Nhưng Quí tốt quá, rất tốt. Má Quí già rồi, than với Đậm hoài, có một mối trong Nhà Phấn Ngọn, coi được lắm, vậy mà biểu thằng Quí cưới vợ mà nó hổng nghe, làm như nó còn chờ ai đâu.
Thời gian bị người ta chở kĩu kịt đi. Khiếp, mới đó đã 29 Tết. Bánh mứt, dưa hành, quần mới, áo mới như nước tràn lên phố. Đây là một thời điểm rộn rịp nhất, phơi phới nhất trong năm. Tết này không có 30, 29 rồi tới mùng một, như người ta bước hụt, thấy thiếu một ngày. Những khóm vàng hoa của ông Chín nở sớm từ 24, 25 đã ngả mầu vàng sậm. 4 giờ sáng, ông đi qua bên kia đường gánh nước về tưới, than : « Thời tiết năm nay kỳ cục quá » ông vấn điếu thuốc, phà khói bảo : « Con biết không, nghề bán bông tết cũng như bán lồng đèn Trung thu, qua rằm tháng 8 có cho người ta cũng không thèm lấy. Buôn bán kiểu vậy như con gái có thì, qua rồi, khó lắm… » Ông nói tới đây, thấy Đậm ngẩng đầu ngó sao muộn, ông thôi không nói nữa. Đậm nhớ con gái quá. Nghe Quí đem đồ về lại đem tin ra bảo : « Bộ đồ bé Lý mặc vừa lắm, nó đòi ra với Đậm. Buôn bán như vầy cực quá, chở nó ra đây, tội nghiệp… ». Rồi Quí bảo mớ bông mồng gà Đậm gieo sao mà khéo quá, bông đỏ bông vàng trổ ngay Tết.
Đó là lúc chờ sáng, còn rỗi rãi xẻ dưa mời nhau, chứ ngày 29 là một ngày tất bật, nói theo dân đá banh là thắng với thua. Người mua xúm xa xúm xít. Mới một buổi đã lử lả, Đậm một mình phải coi trước coi sau. Tưởng dưa hấu đắp đập ngăn sông mà đã vợi đi quá nửa. Nhưng chắc phải đợi cho tới giao thừa. Người ta chờ tới đó sẽ rẻ nữa. Chạy xong mấy chuyến xe buổi sáng, chiều Quí lại giúp. Từ bến xe lam lại đằng chợ chừng 100 m. Quí kêu : « Có ai mua nhiều, Đậm hứa đi, tôi chở tới nhà cho ». Đậm thấy vui, phần thì bớt lo dưa ế, phần thấy nao nao trong lòng. Cái không khí đẹp thế này, ấm thế này, không vui sao được. Quí hỏi : « Nhà Đậm có gói bánh tét không? ». Đậm hỏi lại : « Có, mà chỉ ». « Tôi cho, má tôi gói nhiều lắm ». Quí mặc áo đứt mất tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực ráp nắng. Trong Đậm nhiều khi dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn, để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời.
Lúc ngẩng lên được đã năm mới mất rồi. Nghe được tiếng trống giao thừa vọng về từ trung tâm thị xã. Ở đó có một lễ hội thật tưng bừng. Ông Chín đốt 6 nén nhang, chia cho Đậm nửa, biểu : « Con cúng giao thừa đi. Cầu an khang, sức khỏe, cầu năm tới giàu hơn năm nay ». Mùi nhang thơm trong gió sực lên mũi Đậm một nỗi nhớ nhà. Dù đây về đấy chưa tới một tiếng đi xe. Ở chợ, người muốn về trước giao thừa thì đã bán thốc tháo để về. Những người còn lại cũng cố dọn dẹp làm sao mùng một có mặt ở nhà, pha bình trà cúng tổ tiên. Ông Chín đứng chỉ huy cho con trai ông bưng mươi chậu hoa còn lại lên xe hàng, quyến luyến : « Hồi nãy con tặng bác dưa ăn, giờ bác tặng lại cho con với cậu nhỏ hai chậu cúc đại đóa này. Năm tới, bác có xuống không biết được ngồi gần cháu như vầy không. Cha, đây về Sa Đéc chắc phải nhâm nhi dài dài cho đỡ buồn quá ».
_ Dạ, bác về mạnh giỏi, ăn Tết cho thiệt vui.
Đậm vén tóc, cười, thấy thương ông quá. Ông Chín leo lên xe còn ngoắc Quí lại nói thì thào: « Ê cậu nhỏ, tôi nói cậu nghe, ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy, cũ người mới tạ Mạnh dạn lên, cậu thương con gái người ta mà cà lơ phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm, thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ đỏ lòng ». Nói rồi xe vọt đi, mấy người nữa lên xe vỗ vào thùng xe thùm thùm như gửi lại lời chào tạm biệt. Khói xe xoắn ra từng ngọn tròn tròn như con cúi. Đậm lui cui quét dọn chỗ của mình, hỏi:
_ Ông Chín nói gì vậy?
_ Đâu có gì _ Quí cười bối rối.
_ Về nghen, chạy xe chất đồ chở về. Biểu Quí đứng chờ mà không nghe, vì tôi mà ngày nay Quí bỏ mấy mối xe, uổng quá.
_ Đâu có gì còn 31 trái dưa…
_ Tôi tặng Quí chục trái ăn dài dài.
Quí cười :
_ Nhà tôi đơn chiếc, có mấy người đâu, ăn gì nhiều vậy.
Những chiếc xe vẫn nối đuôi nhau chạy về phía đại lộ. Lễ hội giao thừa vẫn chưa tan, chưa muốn tan. Người ta vẫn muốn cùng nhau đi hết Tết này. Một vài anh bạn trẻ chạy xe qua, gọi Đậm: « Nhanh lên chế ơi, trễ rồi. Tết đâu có đợi ». Lúc Đậm lên xe thì đã qua lâu giao thừa, Đậm ngồi đằng trước ngang với Quí. Xe ra khỏi thị xã, con đường nhỏ lại, vắng hoe. Đậm ngoái lại nơi cô từng nếm sương, nếm nắng, nghe gió. Những đóa cúc sau sàn xe rung rinh những sắc mầu rực rỡ. Quí bảo:
_ Đậm biết cúc đẹp gì không?
Đậm lắc đầu. Quí cười:
_ Lòng chung thủy. « Diệp bất ly chi, hoa bất ly đài ».
_ Ai nói với Quí vậy?
_ Bác Chín. Năm tới, tôi trồng cúc đi bán với Đậm nghen.
Đậm muốn cười, rất muốn cười mà sao nghẹn lại. Làm sao vượt qua những trở ngại trong lòng người. Hai bên đường rập rờn hoa dại. Những đống lửa rơm còn nghi ngút khói, bọn trẻ cơi lên khoe áo mới rồi mỏi mòn đi ngủ.
Quí cho xe chạy thật chậm, nghe gió thổi qua lỗ tai lạnh quánh. Lạnh như khoảng chiếu nửa đêm Quí chạm tay vào, tượng lên một nỗi nhớ rờn rờn lúc mờ lúc tỏ. Những nỗi nhớ phơ phất mái tóc một người, đôi mắt một người, dáng dấp một người. Đến tỉnh dậy vẫn còn bồng bềnh như khói. Quí nhìn Đậm, ánh nhìn rất lạ. Anh không biết vì một nỗi gì mà tới bây giờ anh chưa nói lời thương với người ta. Anh không ngại đứa con, anh không ngại chuyện lỡ lầm xưa cũ, tuổi tác cũng không thèm nghĩ đến. Cô luống cuống khi thấy chiếc xe chạy chậm dần:
_ À… Ờ… Tết này nữa, Quí bao nhiều tuổi rồi ha?
Quí im lặng, dừng xe hẳn. Lúc này anh thấy cần nắm lấy bàn tay lạnh tái của Đậm, rất cần. Khi ấy giao thừa đã đi qua lâu, lâu lắm rồi nhưng rõ ràng vẫn chưa hết Tết. Mai là mùng một.
Nguyễn Ngọc Tư

Chuyện của Bong Bóng

Cái giây phút Quân thấy Chi tay trong tay với một người con trai khác làm Quân nhớ đến lần Quân 7 tuổi, ba mua cho Quân một quả bóng bay màu xanh da trời. Quả bóng tuột tay bay khỏi Quân một một lúc lâu rồi, mà Quân còn ngẩn người ra nhìn, quên mất cả việc lẽ ra nên tiếc nuối. Quả bóng của Quân như một giọt nước xanh bé nhỏ rơi thõm và hòa tan hoàn toàn vào đại dương xanh mênh mang là bầu trời trên kia.
girl and balloon Chuyện của Bong Bóng
Lúc này cũng vậy, Quân ngạc nhiên thấy mình bình tĩnh đến lạ lùng. Anh sững người ra, ngơ ngác thì đúng hơn, như vừa bị đánh thức khỏi một giấc mơ nào thật lắm. Ánh mắt Chi trìu mến lướt trên gương mặt người con trai với Quân mới gần gũi, quen thuộc làm sao. Cả cái cách cô đưa tay âu yếm sửa lại cổ áo cho người đó, Quân chỉ cần nhắm mắt cũng nói được dáng bàn tay Chi nghiêng ra sao. Định thần một lúc, Quân chậm rãi bước đến chỗ 2 người đang đứng, ánh mắt Quân nhìn Chi thẳng và sáng, anh chỉ nói một câu duy nhất:
- Thật à Chi?
Chi thoáng giật mình trước sự có mặt không mong đợi của Quân. Nhìn sang người bên cạnh, cô hơi bối rối. Không biết nên nói gì trong hoàn cảnh này, cô hơi gật đầu, nửa thừa nhận, nửa ngại ngùng.
Đó là lần cuối cùng Quân cười với Chi. Một nụ cười rất buồn, nhưng cũng rất đẹp, đẹp nhất từ Quân mà Chi từng bắt gặp. Chi có cảm giác như tất cả tình yêu trong 3 năm trời Quân trút ra hết trong nụ cười này. Tự nhiên cô muốn khóc, rồi kìm lại, thấy thật vô duyên khi người tạo ra sự đổ vỡ là mình lại đi rơi nước mắt, còn nạn nhân là Quân lại cười. Nhìn nét mặt Quân khi cười điềm đạm và tĩnh lặng như mặt nước, Chi biết, cô mất Quân thật rồi. Mất vĩnh viễn. Không cách nào lấy lại được.
Quân quay lưng đi một lúc rồi mà Chi còn đứng im nhìn theo, tiếc quay quắt cái dáng đi cho một tay vào túi quần rất từ tốn của anh.
Quân đứng tựa lưng vào cột đèn đường, mắt mơ màng nhìn lên trời. Quân cứ nhìn như thế, không rời mắt khỏi những ngôi sao nhấp nháy trên kia như bị thôi miên. Một cơn gió lạnh thổi qua làm anh rùng mình. Hít một hơi thật dài, Quân kéo cao cổ áo, khẽ lẩm bẩm:
Mình đang nhìn thấy ánh sáng từ những ngôi sao đã chết.
Mỉm cười yếu ớt với chính mình, anh đi bộ về nhà.
Bàn bè vừa thương, vừa bực tức, vừa không thể hiều nổi phản ứng của Quân. Tường nói với giọng run rấy vì giận:
Mày đưa tao số điện thoại của Chi, để tao hẹn nó ra gặp mặt, nói cho ra lẽ. Sao lại có cái trò tiểu nhân như thế? Mà mày nữa, hèn vừa thôi chứ, là tao thì thằng kia đã nhận vài quả đấm ra trò rồi.
Quân đặt tay lên vai bạn, nhẹ nhàng:
Thôi mày ạ. Tao không trách hay giận gì Chi cả. Lúc ấy Chi đã xác nhận với tao, thế là đủ rồi.
Tường nhìn bạn, không đồng tình và pha lẫn xót xa. Quân nhìn thẳng vào mặt Tường, ánh nhìn xanh trong như bầu trời mùa hạ không gợn một chút mây, khẽ lắc đầu. Tường thở hắt ra:
Ừ thôi thì tùy mày
Quân thương bạn đến mức muốn ôm nó một cái, nhưng nghĩ đến việc 2 thằng con trai ôm nhau thì lại thấy buồn cười, thành ra anh chỉ nói đơn giản “Tao biết mày sẽ nói vậy mà”.
Thủy thì lại có kiểu an ủi nữ tính và đằm thắm hơn. Cô tặng Quân một cái khăn choàng cổ do chính tay mình đan, kèm theo một tấm thiệp với những lời nửa như an ủi, nửa nhu áy náy với sự việc xảy ra. Dù gì, Thủy cũng là bạn thân của Chi. Quân đón nhận tất cả sự động viên, an ủi, những lời rủ đi chơi bời, ăn uống từ bạn bè bằng một thái độ chân thành, thân thiết, nhưng phản ứng của anh đối với việc Chi quen người khác mờ nhạt đến mức mọi người bỗng cảm thấy hành động của mình trở nên thừa thãi. Những người bạn tốt, họ tự nghĩ trong đầu: “Thằng Quân trước giờ vẫn đi mây về gió như người mộng du ấy, chắc việc lần này đầu óc nó cũng chẳng rơi xuống đất là mấy”. Rồi họ thở phào, kết luận: “Vậy còn may. Nó không phải buồn hay suy nghĩ nhiều”.
Chỉ riêng Trang là biết Quân buồn. Nhưng Trang lại không biết Quân là ai.
Nhà cô ở đầu phố, nhà Quân ở cuối phố. Tối nào, Quân cũng gửi xe ở khu vực xe ngoài đường chính rồi đi bộ về nhà. Con phố nhỏ càng khuya càng sực nức mùi hoa nhài. Nhà Trang gần ngay cột đèn, tối tối, Trang ngồi trên ban công, nhìn bóng người con trai đứng đổ dài dưới ánh vàng vọt của ngọn đèn đường, khói thuốc lá tỏa thành từng vệt dài trắng nhạt trên nền không gian đen sẫm, thấy anh bé nhỏ và cô độc lạ lùng.
Quân thường đứng im lặng ở đó chừng nửa tiếng đồng hồ, ngước mắt lên nhìn trời, rồi dụi tắt thuốc, đi tiếp về nhà. Trang tự hỏi chàng trai đứng đó làm gì mà đều đặn và kiên nhẫn như thế, dù tiết trời bây giờ là đầu đông. “Hay anh ta…quan sát địa hình vùng này để ăn trộm?” Trang phì cười trước giả thiết của mình, nhưng vẫn không thôi thắc mắc. Sâu trong lòng, cô thấy có một sự thương hại khó giải thích mỗi lần cô nghĩ đến người con trại lạ lùng kia. “Có lẽ anh ta nhìn lẻ loi quá”. Chàng trai đứng xoay lưng lại, và chỉ xuất hiện vào buổi chớm khuya, nên Trang chưa một lần nhìn rõ mặt anh. Sự việc lặp đi lặp lại gần 1 tháng, nỗi tò mò ngày càng dâng cao, Trang chợt nảy ra một ý nghĩ tinh nghịch.
Tối hôm ấy, cũng như mọi ngày, đang thong dong đi bộ về, Quân huýt sáo khe khẽ vì hương hoa nhàu nồng nàn và khí trời tinh Trang làm anh khoan khoái. Anh yêu những tối đi bộ về một mình dưới con phố nhỏ yên tĩnh này, vả chăng, vào giờ này, mọi người đều quây quần trong nhà để tránh cái rét mướt đầu đông, càng làm khoảng không gian trở nên riêng tư một cách dễ chịu. Chợt anh dừng lại, ở phía cột đèn quen thuộc, có một vật thể lạ đang cử động, cụ thể là nó đang…bay phấp phới trong gió. Bước lại gần hơn, Quân ngạc nhiên phát hiện hóa ra “vật thể lạ” là một quả bóng bay màu xanh da trời được buộc vào cột đèn. “Hôm nay có phải ngày lễ gì đâu mà treo bong bóng, mà ai lại treo ở lưng chừng như thế”, Quân nghĩ thầm. Dù gì, cái màu xanh nao lòng của quả bong bóng làm anh nhớ đến sự cố với Chi và lòng khe khẽ chùng xuống. Tò mò, anh bước ngay đến để quan sát cho kỹ hơn. Quân suýt ồ lên một tiếng khi thấy buộc kèm với quả bóng là một mảnh giấy nhỏ màu xanh gấp vuông vắn. Quân rút mảnh giấy ra, hứng nó dưới ánh đèn để đọc cho rõ. Nét chữ mềm mại chỉ viết một câu duy nhất: “Này anh, trên trời có gì hay lắm à?”.
Quân khẽ bật cười. Anh nhìn khắp chung quanh, thấy ai cũng đóng cửa, chỉ có ánh đèn hắt ra từ cửa sổ và tiếng Tivi vọng ra nho nhỏ từ mấy căn hộ phía xa. Không nghĩ ra là ai đã gửi mành giấy cho mình. Luân đoán chừng chắc người đó phải là một cô gái (vì nét chữ rất mềm mại) còn trẻ (vì gọi mình là anh) nhà ở quanh đây (thế nên mới thấy Quân đứng nhìn trời, và có đủ thời gian buộc bong bóng vào cột đèn vào khoảng tối để mọi người khó phát hiện). Thú vị trước sự bất ngờ xinh xắn này. Quân rút bút trong túi đeo bên người ra, hí hoáy viết trả lời vào mặt sau của tờ giấy cũng chỉ một câu vỏn vẹn: “Anh nhìn ánh sáng từ những ngôi sao đã chết, cô bé ạ”. Cẩn thận buộc chặt tờ giấy vào quả bong bóng, Quân nhìn lên trời. Những ngôi sao hôm nay cũng có vẻ lấp lánh và tươi vui hơn mọi ngày. Dù gì, anh cũng đang có một quả bóng bay làm bạn ngắm sao. Quân thấy lòng nhẹ nhõm.
Tối hôm sau, Quân nhận được thư trả lời của Trang cũng ở một quả bóng bay màu xanh khác thay cho quả cũ chắc đã hết hơi. Lần này, Trang có tiến bôj hơn khi viết được…2 câu: “Sao lại là những ngôi sao đã chết hả anh? Nhìn anh có vẻ buồn”.
Quân chạnh lòng. Câu đầu tiên gợi anh nhớ đến một kỉ niệm ngọt ngào với Chi trong những tháng ngày cũ, trong khi câu thứ hai đã lâu lắm rồi chưa ai nói với anh như thế, các bạn mặc nhiên nghĩ rằng Quân đã quên Chi như quên một quả bóng bị vụt bay vào bầu trời xa tít.
“Ánh sáng của một ngôi sao thuộc dải ngân hà rộng lớn trên kia phải mất hàng ngàn năm để đi từ nơi ấy đến địa cầu, và khi đến nơi rồi, thì ở xa xôi trên kia, sau khoảng thời gian dài như thế, ngôi sao ấy có lẽ đã không còn tồn tại nữa. Anh gọi đó là những ngôi sao đã chết. Và anh buồn vì điều đó, cô bé ạ”.
Trang thở dài. Một nỗi buồn rất nhẹ lan tỏa trên gương mặt trong như nước của cô. Đây là một chàng trai nhiều tâm sự. Hẳn nhiên rồi, có lẽ anh ấy đang tiếc nhớ một điều tươi đẹp nào đó trong quá khứ. Chàng trai này còn làm cho thiên văn học trở nên thơ mộng và huyền ảo bằng kiểu suy tư rất ngộ nghĩnh của anh ta.
“Em không đồng ý đâu. Có những ngôi sao có tuổi thọ rất cao, có những ngôi sao lại có khoảng cách rất gần. Không phải tất cả những ngôi sao anh nhìn thấy đều đã chết. Em chỉ ngắm sao vì em yêu ánh sáng chúng mang lại thôi. Ah, mùa đông ngày càng lạnh, sao anh ăn mặc phong phanh vậy?”
Quân thấy mắt mình hơi nhòe khi đọc những dòng chữ này. 2 năm trước, khi đi cùng Chi trên con phố nhỏ dẫn về nhà, chỉ có mặt trăng vằng vặc trên cao, yên ả đến mức nghe được tiếng thở nhẹ của Chi thoảng qua, Quân kéo Chi sát vào người, chỉ tay lên bầu trời sáng như dát bạc, thì thầm: “Anh yêu những ngôi sao vì ánh sáng của chúng, như anh yêu em vậy”. Gương mặt của Chi gần, thật gần, và cũng lung linh như một ngôi sao. Một vì sao đẹp nhất.
“Ừ, em nói đúng. Đã lâu lắm rồi anh quên mất là anh yêu những ngôi sao vì ánh sáng của chúng. Anh cứ mãi suy nghĩ về việc chúng còn hay đã chết. Này em, em có nghĩ những ngôi sao khi chết rồi cũng có linh hồn không?”
Họ trò chuyện với nhau mối tối, và chủ đề không chỉ xoay quanh những ngôi sao và bầu trời nữa, mà đã có hình dáng của những quyển sách họ đọc, những điều họ thấy khi sống rất trọn, và cả những dòng cảm nhận vu vơ về một điều gì đó chưa thành hình nữa. Quân đã chú ý mặc áo ấm hơn, anh vẫn ngắm sao mỗi ngày, nhưng không hút thuốc nữa, vì Trang bảo: “Khói thuốc của anh sẽ làm quả bóng bay của em ho sặc sụa”. Anh cũng chưa từng nghĩ đến việc sẽ đi về sớm hơn, nấp vào 1 chố đâu đó để tìm ra cố bé thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong giấc mơ an hhàng đêm với gương mặt mờ ảo như khói. Bí mật làm cuộc sống thú vị hơn, và anh tôn trọng ý muốn của cô gái. Trang thấy mình cười nhiều hơn, yêu thương cuộc sống nhiều hơn và phát hiện ra những điều mới mẻ trong những thứ tưởng như rất gần gũi, quen thuộc mà cô hay lơ đãng bỏ qua khi đi rất vội qua đời.
“Em này, một ngày anh chợt nhận ra, khi ta bình thản nhìn vào quá khứ, không có nghĩa là ta hoàn toàn chấp nhận nó. Và buổi sáng anh thức dậy, thấy tên một người cũ gợi nên một niềm trìu mến đã cũ nhưng cũng xa xôi không kém, anh biết mình đã bước qua nỗi buồn rồi”.
“Chỉ có những người yêu thương nhiều mới buồn nhiều anh ạ. Cho đi càng nhiều thì khoảng trống, hẫng hụt khi mất đi càng lớn. Nhưng em biết, anh chưa bao giờ thật sự mất một điều gì, vì anh có một ký ức tốt và biết chọn lọc, đúng không? Hay chỉ ghi nhớ những điều tốt đẹp thôi anh nhé. Để rồi khi anh nhìn lên bầu trời, anh sẽ cảm ơn những ngôi sao, còn tồn tại hay đã chết, vì đã lung linh sáng…”
Đêm vắng và thanh như tiếng thở dài rất khẽ của gió, Trang ngạc nhiên không thấy Quân viết gì trong giấy như thường lệ. Rõ ràng hôm nay anh ấy vẫn đứng đó mà. “Hay anh ấy có chuyện buồn? Hay anh ấy đã chán nói chuyện với một cô gái xa lạ chưa từng gặp mặt bằng những dòng chữ vu vơ?” Vai Trang run khe khẽ vì lạnh, từ nhà bước mấy bước ra đường, cô chỉ khoác một cái áo khoác mỏng ngoài bộ Pajama mặc ở nhà. Như mọi khi cô chỉ cần lấy giấy và bóng ra là đã vào nhà lại. Nhìn quanh quất, ánh mắt Trang bắt gặp một hộp quà xinh xắn màu xanh da trời nằm nép dưới chân cột đèn. Lòng ngân lên một thanh âm rất dịu, cô run run mở lớp giấy gói. Đáy chiếc hộp lấp lánh sáng những ngôi sao dạ quang xanh biếc, ở giữa là một quả bóng bay xanh da trời bé xíu nằm gọn trong chai thủy tinh. Giọng một người con trai nửa như cười, nửa như tiếng gió thoáng rất nhẹ phía sau lưng:
“Em đang lạnh kìa, cô bé”.
Đó là lần đầu tiên họ gặp nhau.
Khiết Lam.

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 1

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 1

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 2

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 2

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 3

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 3

TKBG Mỹ thuật 4

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 4

TKBG Mỹ thuật 5

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 5

TKBG Mỹ thuật 6

Xem tài liệu! TKBG Mỹ thuật 6

10 Vạn câu hỏi "Vì sao?"

Xem tài liệu! 10 Vạn câu hỏi "Vì sao?"

Bảo trì máy tính và cài đặt phần mềm

Bảo trì máy tính và cài đặt phần mềm

Phần cứng gồm những đối tượng vật lý hữu hình như vi mạch, bản mạch in, màn hình, bộ nhớ, ... Phần cứng thực hiện các chức năng xử lý thông tin cơ bản ở mức thấp nhất tức là ...

Xem tài liệu! Hai vạn dặm dưới biển

Xem tài liệu! Hai vạn dặm dưới biển

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 1 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 1 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 1 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 1 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 2 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 2 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 3 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 3 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 3 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 3 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 4 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 4 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 4 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 4 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 5 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 5 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 5 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 5 - Tập 2

Ngày mai, Hà Nội đổi giờ học, giờ làm

Ngày mai, Hà Nội đổi giờ học, giờ làm

Lưu trữ Blog