Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Bộ trưởng Đinh La Thăng lên tiếng ngày đầu đổi giờ học

Kể từ hôm nay (1/2), 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì của Hà Nội sẽ chính thức áp dụng giờ làm việc, học tập mới. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng.

PV: Việc thay đổi giờ học, giờ làm chính thức có hiệu lực từ hôm nay, 01/02/2012, nhưng chủ trương này đã gặp rất nhiều những phản ứng trái chiều của dư luận. Bộ trưởng đã dự liệu tình huống này như thế nào?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: - Mỗi một quyết định đưa ra thì đều có người đồng ý hay không đồng ý, đấy là chuyện rất bình thường. Nhưng vấn đề ở chỗ là quyết định ấy là vì ai? là vì số đông. Trước đây, việc đội mũ bảo hiểm cũng bị phản đối thế nhưng rồi vẫn thực hiện tốt, có vấn đề gì đâu. Rồi việc cấm xe tự chế, cấm xe công nông, xe ba bánh, cấm xích lô... người ta thậm chí còn biểu tình thế mà bây giờ vẫn thực hiện tốt, có vấn đề gì đâu. Đó là những chuyện hết sức bình thường.

... Tất nhiên mình cũng rất chia sẻ với mọi người. Nói vậy nhưng đổi giờ ảnh hưởng đến một số gia đình chứ. Một gia đình vợ chồng con cái đang sinh hoạt bình thường, bây giờ đổi đi là xáo trộn cả gia đình. Mình cũng có sự thông cảm và chia sẻ, nhưng mình phải thấy rằng cái được là được cho số đông. Và trong đó có những người này, cũng được hưởng cái lợi chung đó.

Trong khi Bộ GTVT quán triệt nguyên tắc phải dùng giải pháp đồng bộ chống ách tắc thì liệu đây có phải là giải pháp nhất thời?

Đây chỉ là một trong tổng thể các giải pháp để giảm ùn tắc. Nếu thay đổi giờ làm để giảm ùn tắc thì người ta đã thực hiện từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới thay đổi. Đây chỉ là một trong những giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông chứ không phải là biện pháp duy nhất.

Rõ ràng ngày Tết đường vắng vì người ta đi bớt đi. Trước tất cả đang dồn vào một giờ, bây giờ sẽ dãn ra. Đương nhiên là sẽ phải giảm đi chứ.
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Bộ trưởng Đinh La Thăng
Tức là việc thay đổi giờ làm, giờ học lần này chỉ lưu ý đến vấn đề lưu lượng người tham gia giao thông, thưa ông?

Bộ trưởng Đinh La Thăng: - Đúng là như thế. Bây giờ, người tham gia giao thông dồn vào một giờ, dãn giờ ra thì sẽ giảm bớt được.

Có ý kiến cho rằng, giải pháp giảm ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải, nếu chỉ loay hoay điều chỉnh lưu lượng tham gia giao thông mà không quan tâm đến vấn đề gốc là cơ sở hạ tầng và vấn đề nhập cư thì chỉ rơi vào vòng luẩn quẩn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nói như thế thì có nghĩa là không phải làm nữa, không cần làm gì nữa sao? Quan trọng như tôi đã nói đây chỉ là một giải pháp. Còn giải pháp tổng thể của nó một là phải quy hoạch và phải làm lại. Trước người ta quy hoạch thành phố có 25 vạn dân, bây giờ nó lên 7 triệu thì phải quy hoạch lại. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ mới đưa bệnh viện, trường học ra ngoài, đầu tư cơ sở hạ tầng, phải làm xe điện ngầm, phải làm đường sắt trên cao, tổ chức phân làn, phân luồng giao thông... chứ đâu phải một thứ thay đổi giờ học, giờ làm.

Việc đánh giá hiệu quả của việc thay đổi giờ học, giờ làm sẽ được bộ thực hiện bằng biện pháp khoa học nào, thưa Bộ trưởng?

Phương pháp khoa học thì dài lắm, nhưng có một điều cụ thể là tôi đi làm lúc 6g30, hơn 7g mới về tôi chả thấy bao giờ tắc đường cả. Mọi người cũng thế thôi. Đấy, ngày Tết vắng hết, đường Hà Nội đi thoải mái. Cái này thế giới làm lâu rồi, giờ mình mới làm. Thôi thì mình cứ làm đi, cứ ngồi chờ thì chỉ có nước trèo lên đầu nhau. Hai là phải làm những việc trong tổng thể những giải pháp chúng ta đang thực hiện.

Bây giờ đầu tư hạ tầng ví dụ như đang làm đường trên cao, đường vành đai 3, đang làm đường sắt trên cao Hà Nội, Hà Đông, Nhổn, rồi đang tổ chức phân làn, phân luồng lại, quy hoạch cũng đang rà soát lại, rồi làm đường vành đai 4 và vành đai 5, một loạt những công trình khởi công, những công trình đưa vào sử dụng vừa rồi đó là những giải pháp chống ùn tắc. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường chất lượng của cảnh sát giao thông đường bộ, thanh tra giao thông, rồi tuyên truyền ý thức người dân.

Tất nhiên, trách nhiệm của Nhà nước phải đầu tư hạ tầng, phải làm việc nọ, việc kia nhưng quan trọng là không có tiền. Ai chả muốn làm tàu điện ngầm ngay, ai chả muốn làm đường sắt trên cao ngay, nhưng cái nguồn lực của mình có giới hạn thì phải dần dần, không thể làm ngay được. Chứ còn thật ra như các nước như Anh, Mỹ vẫn có tình trạng ùn tắc nhưng chỉ ở những giờ cao điểm thôi. Nếu bây giờ mình không làm thì mình chỉ cứ chờ.

Nhiều người bảo phải có giải pháp đồng bộ chứ ai làm manh mún thế, làm thế này là biện pháp chắp vá, nhất thời. Thế thì không đồng bộ chúng ta không làm sao? Đồng bộ là phải có đầy đủ mọi thứ, nâng cao chất lượng xe bus lên, đường phải rộng ra, phải có tàu điện ngầm đi rồi lúc ấy mới đổi giờ. Thế thì chỉ có trèo lên đầu nhau mà thôi.

Lịch trình làm việc của ông sẽ như thế nào kể từ ngày thay đổi giờ học, giờ làm?

Tôi đi làm từ 6g30 sáng và 7g30 mới từ Bộ về nhà nên không có ảnh hưởng gì tới lịch chung cả. Nói chung, mọi người dân nếu có ý thức tự điều chỉnh cho phù hợp thì sẽ không bị tắc đường. Một đằng thì anh cứ nhao ra đường vào giờ ấy, nhưng anh chậm một tiếng. Một đằng anh tự điều chỉnh giờ sao cho phù hợp thì sẽ hiệu quả hơn. Quan trọng là ý thức của mỗi người.

Nếu thực sự người ta quan tâm thì người ta đã phải lo lắng rồi, vậy mà sáng nay đi ô tô nghe đài vẫn thấy người dân kêu tôi chưa biết, trong khi dự thảo có từ lâu lắm rồi, trong khi có quyết định từ lâu rồi. Thậm chí còn hoãn một tháng để cho mọi người chuẩn bị vậy mà lại bảo là không biết thì thật là vô lý. Chứng tỏ có ai quan tâm đâu, chính người ta không quan tâm, chứng tỏ không ảnh hưởng đến người ta cả.

Qua đây cho thấy bản thân các cơ quan Nhà nước trong đó Bộ GTVT cần phải nâng cao nỗ lực hiệu quả quản lý trong lĩnh vực của mình, tiếp tục tăng cường trong công tác tuyên truyền cho người dân. Ngược lại người dân cũng phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, trách nhiệm trước hết với bản thân mình, với gia đình mình, với người thân và với cộng đồng. Tất cả từng người một ý thức mình sẽ góp một phần trong việc giảm tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, hoặc mình cũng là nguyên cớ gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông thì chắc chắn ùn tắc sẽ giảm.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 
Theo bạn, khi thay đổi giờ học giờ làm thì tình trạng ùn tắc giao thông có được cải thiện không?
Thông tin cụ thể về phương án đổi giờ học giờ làm từ ngày 1/2 của Hà Nội:

Sau khi Thủ tướng có văn bản chấp thuận, sáng 17/1 vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức triển khai phương án đổi giờ học, làm việc với Bộ GD&ĐT cùng nhiều sở ngành.

Theo quyết định này, 10 quận nội thành và 2 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì sẽ điều chỉnh giờ học, làm việc theo 3 nhóm.

Cụ thể: Nhóm 1, gồm sinh viên, học viên các trường ĐH-CĐ -Trung học - Dạy nghề và học sinh THPT. Buổi sáng, sinh viên, học viên vào học từ trước 7g và kết thúc sau 7g tối.

Nhóm 2: Gồm học sinh các trường Mầm non, THCS: sáng vào học từ 8g, chiều kết thúc vào 5g, riêng các trường bố trí giáo viên nhận cháu từ 7g30 sáng và trả đến 5g30; với cán bộ, viên chức (cả Trung ương và Hà Nội) sáng bắt đầu làm việc từ 8g và kết thúc vào 5g chiều.

Nhóm 3: gồm Trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) sáng bắt đầu làm việc từ 9g và kết thúc vào 7g tối. Với các nhóm đối tượng khác thời gian làm việc vẫn giữ nguyên.

Để cho phù hợp và phục vụ tốt việc đổi giờ của thành phố, từ 1/2, Sở GTVT Hà Nội cũng xây dựng kế hoạch đổi giờ hoạt động của nhiều tuyến bus hoạt động tại 10 quận nội thành và 2 huyện. Cụ thể, nếu hiện nay giờ cao điểm của xe bus sáng từ 6g30 đến 8g30, chiều từ 4g30 đến 6g30, từ 1/2 sẽ điều chỉnh sáng từ 6g đến 9g, chiều từ 4g30 đến 7g30.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng điều chỉnh giãn cách chạy xe giờ cao điểm từ 10 phút/lượt hiện nay xuống 7 phút lượt với các tuyến bus chạy qua nhiều trường ĐH-CĐ. Riêng các tuyến bus nhanh như 02, 06, 08, 16, 27, 28, 32, 39, 54, 56, 58 được điều chỉnh lại giờ chạy và tăng thêm chuyến, lượt; với 6 tuyến chạy nhiều trường ĐH-CĐ như 02, 16, 27, 28, 32, 39 sẽ được tổ chức thêm 37 lượt/ngày.

Lực lượng CSGT cũng làm việc từ 6g sáng để đảm bảo tính đồng bộ cho phương án này.
Theo Khánh Trung

TKBG Ngữ văn 8 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 8 - Tập 2

TKBG Ngữ văn 8 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 8 - Tập 1

TKBG Ngữ văn 7 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 7 - Tập 2

TKBG Ngữ văn 7 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 7 - Tập 1

TKBG Ngữ văn 6 - Tập 2

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 6 - Tập 2

TKBG Ngữ văn 6 - Tập 1

Xem tài liệu! TKBG Ngữ văn 6 - Tập 1

Chụp ảnh cưới

Măng bảo lúc rày người ta đang rủ nhau chụp ảnh cưới lạ. Là báo viết vậy, sợ anh không tin, Măng nói thêm, nó tưởng báo nói là thánh nói. Báo kể người ta mặc đồ bộ đội áo dài trắng, nước ảnh ố vàng y như hồi chiến. Người ta ra ruộng lùi sình, kẻ cày cấy kẻ cưỡi trâu. Người ta đóng vai nàng gánh nước ngang qua chàng vá xe trên vỉa hè tơi tả bụi. Có đôi còn kéo nhau ra làm duyên ở bãi rác thành phố, ngó bộ ảnh cũng ngộ lắm. Một cô người mẫu vừa làm bộ ảnh cưới mười hai tấm kể lại mối tình của cô, từ lúc quen nhau làm sao, sóng gió thế nào, coi vui như phim vậy.
wedding Chụp ảnh cưới
Anh nhìn mưa và mấy con cá chốt nằm nghiêng ngửa trong rổ trước mặt Măng, lướt qua những ngón tay nó héo xanh đi vì dầm trong nước, lơ đãng bảo, “hay bữa nào nắng mình chụp hình cưới đi. Em muốn mình cũng làm kiểu vậy ?”. Mặt Măng bơ bơ tê dại vì bất ngờ, vui sướng. Nó mong mỏi nghe câu ấy đã lâu rồi.
Măng mường tượng nếu bắt chước phong cách ảnh cưới của cô người mẫu nọ, chắc nó phải nằm xãi lai trên mặt đường để diễn lại vụ va quẹt làm nó té chỏng gọng, tay rách toạc mấy mảng da, năm trứng vịt bể be bét. Măng sẽ bôi nước sốt cà vào người giả làm máu, và anh thì lóng ngóng đỡ nó mà mắt cứ ngó chiếc xe máy của anh đang chảy xăng lênh láng, hỏi có sao không có sao không. Sau đó sẽ là cảnh anh đến căn phòng Măng đang trọ, mang trả lại chiếc xe đạp đã sửa xong, cùng với bông băng thuốc đỏ. Phòng trọ đó chắc giờ người khác ở, nhưng sẽ tìm được bối cảnh tương tự ở bất cứ đâu, những căn phòng nóng nực thấp và hẹp như một hộp diêm, đủ để kê cái giường ngủ và bếp ăn nhỏ. Bộ ảnh cưới cũng không thể thiếu hình ảnh hai đứa ngồi quán cà phê nhai nước đá viên, đi đạp vịt ở công viên nước. Cảnh anh sấn sổ vội vàng đè Măng vào giường cái hôm nó đến nhà anh chơi cũng quan trọng, vì sau đó khi mặc lại áo, anh nói em dọn qua ở chung đi cho đỡ tốn tiền thuê nhà. Cuối cùng, trong một đợt mưa dầm do áp thấp gần bờ, Măng làm cá chốt kho sả ớt thì anh rủ chụp ảnh cưới em ơi.
Sự có mặt của những con cá chốt, cùng với trứng vịt, thằn lằn… trong suốt những sự kiện quan trọng của hai đứa sẽ làm bộ ảnh bớt tẻ nhạt. Chúng sẽ cứu vãn vẻ mặt lạnh lẽo của chú rễ, vì mắt anh cũng lạnh, cả khi cười cũng là cái cười nhếch lạt nhách. Và Măng gánh sứ mệnh phùng mang trợn mắt cười toe suốt cả bộ ảnh cưới để cho người ta thấy đây là ảnh cưới, không phải ảnh họp.
- Quan trọng là nó có chịu cưới mầy không ?
Mẹ Măng hỏi, cố kéo nó trở về mặt đất, chấm dứt những ngày tháng mơ màng. Từ dọn qua sống chung với anh, cha mẹ coi Măng là đứa con gái bỏ đi. Đã đứt đoạn giờ càng thêm đứt đoạn, Măng gần như không qua lại. Những lần trải tóc nằm cạnh anh, nó kể bằng cái giọng hững hờ như đang nói về gia đình nào khác, “cái nhà đó lúc nào cũng sùng sục như nước sôi…”. Giờ Măng ló mặt về vì muốn khoe chuyện chụp ảnh cưới, nó muốn chia sẻ với ai đó nỗi vui đã dâng lên đầy ứ này. Cha Măng đón tin trọng đại ấy bằng cái bĩu môi, đổi củ khoai lấy mấy cái ảnh sến rện đó tao cũng không thèm. Măng không khó chịu, chỉ nhoẻn cười, nói miễn là có chụp hình, không đám cưới cũng được. Đám cưới sẽ trôi tuột đi trong ký ức những người tham dự, hình ảnh thì treo hoài trên vách, ghi nhận thời khắc hai người từng vui vẻ mắt chìm trong mắt. Con cháu Măng sau này phải được nhìn thấy điều đó, điều mà Măng chưa từng nhìn thấy ở cha mẹ mình.
Hồi Măng sáu tuổi, một bà già bán bánh bông lan mà nó hay gọi là ngoại Tám chỉ vào cái ảnh cưới trên lịch, nói cha mẹ mày nè Măng. Nó tưởng thật, suốt ngày mê mẩn ngó Lý Hùng Diễm Hương đang cọ má cười lúng liếng với nhau. Măng tin rằng ai chụp ảnh cưới đều đẹp hơn ngoài đời, đẹp khác xa hai người lớn nhà nó đang ó ré vác củi liệng nhau ngoài bến. Mười ba tuổi, Măng nghĩ nhà mình nát bét vì không có cái ảnh cưới treo trên vách. Một cái ảnh cưới ấm áp tới mức khi người ta có đánh chửi nhau thì cũng thấy ngượng ngùng, chúng hiện diện như nhắc lại một lời thề, một ký ức đã bị thời gian mài mòn mất. “Hình cưới mất hết hồi đận cháy nhà…”, mẹ Măng lượng sượng trả lời cho xong, cho khỏi bị gạn hỏi nữa. Hèn gì cái sự thương nhau cũng rụi thành tro, Măng gật gù, mặt trầm ngâm như người ngộ đạo.
Đời con phải khác, nó tuyên bố vậy, khi đứng bán hàng cho một tiệm điện máy, thôi không bưng bê cà phê giúp mẹ. Măng mướn nhà ở riêng làm một cuộc ly khai triệt để. Nó chạy khỏi cha mẹ mình một quãng xa, họ không cách nào đuổi kịp. Cũng có thể vì quá mệt mỏi với việc kiếm sống và cãi nhau, họ không muốn đuổi theo. Măng sống chung với anh hơn tháng mẹ nó mới hay, mới dậm cẳng đấm ngực nói đời mày rồi cũng như tao thôi, khác cái cứt khô gì.
Khác chớ. Anh của Măng đi về đúng giờ, chẳng hút thuốc phì phèo, ghét nhậu và không mê gái. Anh chỉ thích rúc trong nhà không thích giang hồ đầu sông cuối bãi. Anh khô khan, ù lì, hơi tẻ nhạt, tháng Năm nói một tiếng tháng Mười một câu, nhưng chẳng sao, lời nói là thứ sắc nhọn, nói ít người khác đỡ chảy máu.
Khác nữa, là bọn Măng sắp chụp ảnh cưới. Độc và lạ. Ở bến tàu. Chỗ cha mẹ Măng hay cầm chổi lông gà hay chổi cỏ, nắp xoong hay ghế nhựa để phang nhau. Anh ngại ngần bảo đông người lắm. Nhưng sau bốn giờ chiều thì vắng thênh thang, Măng bảo, em lớn lên ở đó mà.
Nó lớn lên ở đó. Nó quen tất cả người bán bưng bán gánh, thuộc lòng từng bậc thang lên xuống bến, buổi nào thì nước ròng, nước lớn. Trên bến có năm cây bàng và hai cội me, xưa nó hay trèo cây ngồi suốt vì không thích ở nhà – một cái quán nước xốc xếch nằm giữa dãy mười hai hàng quán. Nó còn biết giờ nào thì tàu đi U Minh ra bến, và cha nó đứng đằng mũi gác sào lên mui tàu, vươn vai khoan khoái nghĩ đến người đàn bà miền rừng nào đó đang chờ ông ở cuối cuộc hành trình kia. Nó cũng thuộc khoảnh khắc chuyến tàu Rạch Gốc cuối ngày về bến, một thằng con trai cao lòng khòng sẽ cầm cái dây thừng nhảy phóc lên bờ, buộc chặt vào cột, miệng la ơi ới tới chợ rồi bớ bà con ơi. Mũi Măng thuộc mùi mồ hôi của thằng đó, những ngón tay Măng thuộc từng sợi tóc cháy nắng kia, mắt Măng thuộc từng cái mụn cơm trên gương mặt đen thui, từng vết sẹo trên người. Măng định học thuộc cả da thịt thằng nhỏ nữa, nếu một bữa nó không trốn nhà đi đến một bến tàu ở miệt biển xa xôi, và nhìn thấy thằng kia tay bẹo má chân quắp hông một con nhỏ khác. Măng bỏ đi.
Hôm Măng kéo cái đuôi váy cưới trắng tinh về đứng chênh vênh trên bến, chuyến tàu Rạch Gốc cuối ngày đó cũng vừa xuống khách xong. Măng bận cười toe tạo dáng, bận biết ơn anh vì chiều nó mà phải chịu sượng sùng… Nó không biết trong mắt thằng con trai đó còn chút tha thiết, nuối tiếc nào không. Nhưng chắc chắn thằng kia sẽ nhìn nó giống như người của cả bến tàu đang xúm xít trầm trồ, ngó cái cảnh lãng mạn dị thường ở nơi lúc nào cũng chụp giựt bán mua, nháo nhác đi về. Nắm chặt lấy tay anh đến nỗi anh cũng thấy đau và giữ cái chân váy chực xòe bay lên bởi gió sông lồng lộng, Măng bỗng nhớ một lần cả xóm cũng túa ra nhìn nó, khi đó đang trèo cột điện, miệng nó hét cha mẹ đánh chửi nhau nữa là tui nắm dây điện đòng đưa chơi. Và cha mẹ nó, đầu bù tóc rối sau một trận cãi vã đã đời, ra đứng cạnh nhau thẩn thờ, bối rối. Trận đòn sau khi Măng tụt xuống, nó vẫn còn nhớ, hồi đầu thì cha đánh mẹ rầy, sau đó thì đổi tay, cha rầy mẹ đánh, lần đầu tiên hai người cùng dạy dỗ đứa con gái gan góc ngỗ ngược.
Đau, mà nó thấy vui.
Giờ thì họ đang ngồi lặng lẽ trong cái quán chắp vá xốc xếch. Một bộ ngồi vừa mỏi mệt vừa thanh thản, êm đềm như cây sau hồi giông bão. Từ đằng xa ngó lại, Măng thấy hình như mẹ nó ho khúc khắc, tay kéo chéo áo lau nước mắt. Và cha nó vừa dụi đi điếu thuốc đang hút dở, tay khỏa đuổi khói đi chỗ khác.
Cái ảnh cưới có cái nền hai người đã chớm già nua ngồi trầm ngâm xa xa đó, Măng bảo anh thợ ảnh đừng có xóa phông. Cứ để vậy, cho lạ.