Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Giải pháp chống trộm cho laptopPhotobucket

Welcome Tieu hoc Dong Thai Ha Noi
Trong trường hợp bị mất laptop, người dùng có thể sử dụng một số giải pháp theo dõi để khống chế, không cho kẻ xấu truy cập vào dữ liệu trên máy, hoặc có thể theo dõi được vị trí hiện tại của laptop. Trong nhiều trường hợp, nhờ chức năng này mà chủ nhân đã tìm lại được laptop.
Để theo dõi, người dùng có thể sử dụng phần mềm. LockItTight có thể theo dõi vị trí hiện tại của laptop,cũng như tự chụp ảnh màn hình và webcam rồi gửi về tài khoản của bạn trên web. Hãy tham khảo bài viết bên dưới để có được giải pháp bảo vệ an toàn nhất cho chiếc Laptop thân yêu của bạn.

Những khoảnh khắc hài hước Việt NamPhotobucket

Sharing is not limited: Những khoảnh khắc hài hước Việt Nam: Những phát hiện hài hước được độc giả ghi lại. "Siêu" bò Lamborghini Đúng nghĩa quạt cây. Trường đại học trong khuôn khổ mầ...

3 câu chuyện tình yêu ốc sên

Câu chuyện thứ nhất

Có hai con ốc sên yêu nhau. Khi chia tay, chúng bỏ đi về hai hướng khác nhau. Con ốc sên thứ nhất đi về hướng Tây, ốc sên thứ hai đi về hướng Đông.
Ốc sên thứ nhất đi mãi, đi mãi, nó đi mà không hề dừng lại, đi qua tất cả các con ốc sên mà nó gặp ở trên đường. Cho đến khi nó không thể đi được nữa. Và nó đã chết bên một hòn đá nhỏ.
Con ốc sên thứ hai bỏ đi, bỏ đi nhưng nó biết cách dừng lại, dừng lại để biết cách sống tiếp. Nó dừng lại để gặp một con ốc sên thứ ba, và nó sống tiếp bằng cách yêu con ốc sên đó.
Con ốc sên thứ nhất tượng trưng cho một tình yêu nguyên vẹn, sự thủy chung, sự hy sinh, quá hiếm hoi! Còn con ốc sên thứ hai chỉ là thứ tình yêu quá đỗi tầm thường, nhan nhản trong cuộc sống.
Nhưng liệu trong chúng ta, có ai dám hay đủ can đảm yêu theo kiểu con ốc sên thứ nhất? Tôi dám chắc rằng, hầu hết mọi người đều từ chối yêu theo cái kiểu mà chúng ta vẫn gọi là thủy chung, hy sinh (như đã nói ở trên), mà sẽ lựa chọn theo cách của con ốc sên thứ hai.
oc sen 3 câu chuyện tình yêu ốc sên
Câu chuyện thứ hai
Có hai con ốc sên yêu nhau. Khi chia tay, chúng bỏ đi về hai hướng khác nhau. on ốc sên thứ nhất đi về hướng Tây, ốc sên thứ hai đi về hướng Đông.
Con ốc sên thứ nhất đi mãi, đi mãi, nó đi mà k hề dừng lại, đi qua tất cả các con ốc sên mà nó gặp ở trên đường. Cho đến khi, nó không thể đi được nữa. Và nó đã chết bên một hòn đá nhỏ.
Con ốc sên thứ hai bỏ đi, bỏ đi nhưng nó biết cách dừng lại, dừng lại để biết cách sống tiếp. Nó dừng lại để gặp một con ốc sên thứ ba, và nó sống tiếp bằng cách yêu con ốc sên đó. Cho đến một ngày, con ốc sên thứ hai nhận ra rằng người nó thực sự yêu chính là con ốc sên thứ nhất! Nó vội vàng bỏ đi, đi về hướng Tây. Nó đi mãi, đi mãi, đi lâu lắm ý… Rồi nó cũng tìm thấy xác con ốc sên thứ nhất bên cạnh một hòn đá nhỏ. Nó đã bỏ cả cuộc đời còn lại của mình để đi tìm tình yêu đích thực. Bây giờ thì nó đã tìm thấy, và cũng là lúc nó già lắm lắm rồi…
Bất kỳ ai đi qua cũng có thể nhìn thấy một con ốc sên mỉm cười hạnh phúc nằm chết bên xác một con ốc sên đã chết từ rất lâu.
Thế đấy! Hạnh phúc không chỉ là biết từ bỏ, mà còn là biết tìm lại. Hạnh phúc không chỉ là biết ra đi, mà còn là biết dừng lại. Con ốc sên thứ hai thật dũng cảm khi nó dám từ bỏ lần thứ hai, và nó còn dũng cảm hơn, khi dám đi tìm lại tình yêu của mình. Nhưng trong tình yêu, sự nuối tiếc hay ân hận thì thường kết thúc không có hậu. Tất cả chỉ là sự muộn màng, đáng tiếc.
Câu chuyện thứ 3

Có hai con ốc sên yêu nhau. Khi chia tay, chúng bỏ đi về hai hướng khác nhau. Con ốc sên thứ nhất đi về hướng Tây, ốc sên thứ hai đi về hướng Đông.
Con ốc sên thứ nhất bỏ đi, bỏ đi nhưng nó biết cách dừng lại, dừng lại để biết cách sống tiếp. Song nó dừng lại không phải để gặp một con ốc sên thứ ba, và nó sống tiếp không phải bằng cách yêu một con ốc sên khác, chỉ đơn giản là để ăn lá cây và uống những giọt sương mà thôi.
Con ốc sên thứ hai bỏ đi, bỏ đi nhưng nó biết cách dừng lại, dừng lại để biết cách sống tiếp. Nó dừng lại để gặp một con ốc sên thứ ba, và nó sống tiếp bằng cách yêu con ốc sên đó.
Cho đến một ngày, con ốc sên thứ hai nhận ra rằng, người nó thực sự yêu chính là con ốc sên thứ nhất. Nó vội vàng bỏ đi, đi về hướng Tây. Nó đi mãi, đi mãi, đi lâu lắm ý… Rồi nó cũng tìm thấy con ốc sên thứ nhất đang hom hem ăn lá non bên một hòn đá nhỏ. Trông con ốc sên thứ hai bây giờ cũng lọm khọm lắm rồi. Chúng cười với nhau bằng cái miệng móm mém. Dành cả cuộc đời còn lại để tìm thấy tình yêu đích thực, giờ thì chúng chỉ còn rất ít thời gian để có thể ở bên nhau trước khi kết thúc vòng đời của ốc sên. Chúng đã rất hạnh phúc! Thực sự hạnh phúc.
Như đã nói ở câu chuyện thứ hai: “sự nuối tiếc hay ân hận thì thường kết thúc không có hậu. Tất cả chỉ là sự muộn màng, đáng tiếc!”. Chỉ là “thường” thôi! Nếu ai cũng nghĩ như vậy và không đủ can đảm tìm lại hạnh phúc cho mình như con ốc sên thứ hai ở trong câu chuyện cuối cùng này, thì liệu tình yêu còn có ý nghĩa nữa không?Trong cuộc sống cũng như trong tình yêu, đôi khi phải dừng lại để biết mình đã đi được bao xa; đôi khi phải trải qua đau khổ để biết mình đang hạnh phúc; đôi khi phải xa nhau mới biết yêu nhau đến nhường nào; và đôi khi phải biết từ bỏ để tìm lại.
Đôi lúc tự hỏi bản thân, liệu tình yêu của mình sẽ là câu chuyện ốc sên thứ mấy? Hay sẽ có thêm câu chuyện ốc sên thứ tư: Có hai con ốc sên yêu nhau, và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời, mà chẳng xất hiện một con ốc sên thứ ba nào cả! Sẽ không có TỪ BỎ, RA ĐI hay NUỐI TIẾC…
Có lẽ trong tình yêu, không có gì là đúng hay sai cả! Nếu bạn cho là đúng, thì chắc chắn là nó đúng, còn nếu bạn cho rằng nó sai, thì nó buộc phải sai!
Sưu tầm

Đêm

Đêm…

Đêm nay nhiều sao lắm người biết không…?
Em đang cố tìm trong vô vàn các vì sao…
Em muốn đi xuyên qua cả vũ trụ…
Để thấy người – một vì sao đã từng sóng đôi với em
Chỉ để thấy người thôi
night bokeh Đêm
…………………………………………………………………………………………………
Những ngày tháng hạnh phúc bên người…
Em vẫn mãi nhớ
Nó khắc sâu vào tận cùng trái tim em
…và…
Đôi lúc… những hạnh phúc ấy quá lớn lao làm cho em cảm thấy choáng ngợp…
…trái tim cứ đập ầm ĩ làm cho em cảm thấy khó thở…
Chỉ vì người
Chỉ vỉ hạnh phúc mà người ban cho em, dù nhỏ bé thôi
Đó chính là người!
Người mà em từng yêu thương và chia sẻ
Người giúp em vượt qua những nỗi đau trong cuộc sống để em biết yêu thương cuộc sống này và yêu thương chính bản thân mình…
Người bây giờ đã là quá khứ!
Vì em…
Em đã không biết nắm giữ những giây phút bên người
…với em, người như những hạt mưa trong suốt… nhìn thích lắm
…em đưa tay hứng lấy những giọt mưa nhẹ nhàng và tinh khiết
Giống như tình yêu mà em dành cho người vậy…
Nhưng nó trôi tuột đi khỏi lòng bàn tay nhỏ bé của em
Là em tự đánh mất
Em không trách người
Bởi em không biết trân trọng khoảng thời gian bên người…
Để đến khi yêu thương mọc thêm đôi cánh, bay khỏi vòng tay em
…em mới nhận ra
Người… đối với em
…thật sự quan trọng…
Em buông tay người
Không phải vì em muốn nắm lấy bàn tay khác
Mà em chỉ muốn thử để biết được cái lạnh nơi bàn tay không được sưởi ấm bởi người thôi…
Em quay lưng với người
Không phải vì em muốn bước đi trên con đường khác
…mà em chỉ muốn thử để biết được sự sợ hãi trước những khó khăn trên con đường mà người không ở cạnh bên em
Em xa người
Không phải vì em muốn tìm kiếm một tình yêu mới
… mà em chỉ muốn thử để biết một điều rất đơn giản thôi – em yêu người như thế nào và em cần người ra sao
Giờ thì em hiểu tất cả
Người là tia sáng duy nhất rọi vào em khi em lầm lũi trong bóng tối
Người mang nụ cười ấm áp cho em khi xung quang em ngập tràn nước mắt
Người nâng em dậy, cùng em vượt qua đại dương bao la khi đôi cánh em quên đi cách bay

Và nhiều lắm…
Nhưng…
Khi em nhận ra được thì người đã bước rất xa rồi…
Người gần như đã đi đến cuối con đường…
Còn em vẫn đứng tìm kiếm hoài những ký ức đã chôn vùi vào lãng quên…
Em tự trách bản thân đã quá chậm chạp để có thể nắm lấy bàn tay người…
Em trách mình quá vụng về để lạc mất một người dẫn đường đáng tin cậy…
Nhưng có trách móc thế nào đi nữa…
Người cũng mãi không còn thuộc về riêng em…
…………………………………………………………………………………………………
Đêm dần tan
…nắng mang những giọt sương xa rời chiếc lá
…bóng tối nhường chỗ cho ánh bình minh sáng chói
Nhưng sao ánh bình minh của đời em ngày càng mờ nhạt vậy?
Người có thể lý giải giúp em không?
Thanh Vy

Nỗi đau của em

Đây là câu chuyện kể về 1 em nhỏ không may bị mắc căn bệnh thế kỉ – AIDS do ba mẹ em gây nên…
Cùng sinh ra là người nhưng em mang thân phận khác tôi. Ngày em cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày Thượng đế mang đến cho em nỗi đau nghiệt ngã – sự sống của em mong manh lắm…
Young girl 1024x682 Nỗi đau của em
Tạo hóa sinh em ra để mọi người xa lánh vì em ra đời trông sự không mong mỏi của họ, vì cha mẹ em-họ trót là những người có lỗi, họ thậm chí không có cơ hội để thừa nhận em. Một con chim nhỏ không thể ý thức được giá trị của mình nhưng nó còn cho đời tiếng hót. Còn em, em không được may mắn đó, giá trị của em đã được người ta ý thức, diễn đạt bằng 2 chữ: GHÊ TỞM…
Vì lẽ đó, em không cho phép mình hòa nhập vào cộng đồng người, rằng em phải lui về thế giới mà chỉ có những người như em, những người đời bớt đi một nỗi lo, một sự đe dọa về tính mạng, để thỉnh thoảng được quan tâm bằng những ánh mắt đầy thương hại và cũng đầy sợ hãi. Có lẽ, bài học đầu đời mà em được dạy là cách chấp nhận sự thật, cách để không bị tổn thương và cách để không biến mình thành 1 thứ ghê tởm mà người ta vẫn nghĩ. Không giống như những viên kẹo ngọt ngào mà những bọn trẻ cùng trang lứa với em được ba mẹ chúng dỗ dành. Nhưng trẻ thơ vẫn mãi là trẻ thơ.
Em cũng mang hình hài của một con người, cũng nụ cười hồn nhiên, cũng đôi môi tíu tít, cũng những giận dỗi vui buồn của trẻ con và cũng đôi mắt trong veo chứa đựng một bầu trời ngày mai. Và đâu đó trong em cũng nhen nhóm một ước mơ, cũng ấp ủ về 1 tương lai phía trước, đơn giản là được cắp sách tới trường, được vui đùa như bao lũ trẻ khác hay xa hơn nữa là hoài bão về 1 thế giới không có tên căn bệnh mà em đang mang. Nhìn nụ cười hồn nhiên của em, tôi biết rằng em đã, đang và luôn tin vào ước mơ của mình, một niềm tin không bao giờ tắt lịm, một nghị lực để em chống chọi với cái mong manh kia. Có thể tôi may mắn hơn em vì tôi được phần đông xã hội con người chấp nhận nhưng có một điều chắc chắn tôi không bằng em – đó là giá trị người của chính mình, là em hay tôi đáng thương hơn, khi trong tôi luôn sợ một nỗi vô hình nào đó, nỗi sợ do sự quá yêu thương bản thân mình mà nên chăng. Còn em, vẫn thản nhiên, vẫn vô tư cho dù ngày mai có như thế nào đi nữa.
Có người hỏi tôi rằng, hôm nay tôi sẽ làm gì nếu biết trước ngày mai không còn nhìn thấy em, sẽ làm gì nếu như em của tôi chỉ còn một ngày để sống. Có lẽ tôi sẽ chẳng làm gì đặc biệt hơn cả đâu, sẽ chẳng mua món quà mà em hằng mơ ước hay đưa em đến một nơi mà em hằng ước mong…
Tôi sẽ không làm như thế, đơn giản vì tôi muốn em sẽ sống 1 ngày bình thường như những ngày mà hôm qua em vẫn sống. Để ngày mai mở mắt ra, em vẫn thấy cuộc đời rất đẹp, rằng có những ánh mắt, nụ cười của những người thật sự quan tâm em. Để em nghĩ rằng, ngày mai, ngày kia cũng như thế…
Và ý nghĩa của cuộc sống sẽ không dừng lại ở đây, em sẽ làm được như vậy…
… Nhưng liệu rằng, em còn mấy ngày mai?

Những chiếc hộp

Một lần tình cờ, tôi phát hiện một chiếc hộp sắt tây khóa kín để trên nóc tủ. Ba nói, nó đựng di chúc của ông nội. Trong đó viết rõ ông để lại cho tôi cái gì khi ông “về với đất”. Tôi chợt nghĩ, nếu mình cũng phải đi xa, xa thật xa, mình sẽ để lại gì cho những người mình thương yêu.
Vậy là tôi quyết định mình cũng sẽ làm “di chúc”. Tôi cũng tìm một chiếc hộp có khoá. Trong đó, tôi cất tờ “di chúc” và tất cả… gia tài sản nghiệp của mình.
nhung chiec hop Những chiếc hộp
Mỗi năm một lần vào đêm giao thừa, sau khi đã quét dọn nhà cửa sạch sẽ, tôi ngồi vào bàn và viết. Tất nhiên, chẳng phải là thời điểm bi thảm để nghĩ đến cái chết nên “di chúc” của tôi chỉ là một bản kiểm kê và phân chia “tài sản”, những gì tôi đã dành dụm được trong suốt thời gian qua, cho những ai mà tôi đã gặp và yêu quý.
Bản di chúc đầu tiên được viết năm tôi tám tuổi, rất ngắn vì gia tài của tôi chẳng có gì nhiều. Tôi “để lại” cho ba tấm ảnh ba đang bế tôi trên tay cười toa toét, “để lại” cho mẹ tấm ảnh mẹ đang dỗ tôi ngay trước nhà thờ Đức Bà. “Để lại” cho hai đứa em trai của tôi những chiếc xe điện mới toanh mà tôi đã phải dọa dẫm để dành với chúng. “Để lại” cho ông nội cây gậy mà tôi nhặt được ở nhà kho. “Để lại” cho Bảo Vi, đứa bạn thân nhất của tôi chiếc nón vải.
Rồi tôi lớn lên, dù có ra sao tôi vẫn về nhà vào mỗi đêm giao thừa, ngồi vào chiếc bàn bên cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời tối đen, mịn màng của đêm ba mươi và viết. Mỗi năm, tôi đến nhiều nơi hơn trong những chuyến du lịch với bạn bè, những chuyến công tác… và những thứ tôi nhặt nhạnh về cũng nhiều hơn: một chiếc lược đồi mồi từ Hà Tiên, những nụ hoa ngọc lan khô cong vẫn thơm nồng nàn như khi chúng đánh thức tôi dậy trong một đêm rất trong bên cạnh sông Tiền, một chiếc vỏ ốc tầm thường dạt vào bãi cát ở Nha Trang, một mảnh đá xấu xí văng ra khi tôi đi ngang qua những người thợ đục đá Non Nước. Và mồi lần nhặt lên, tôi đều nghĩ rằng tôi sẽ dành lại chúng cho một người nào đó mà tôi đã gặp. Chúng đánh dấu sự hiện hữu của tôi trên thế gian, đánh dấu những bước chân của tôi đã đặt lên mảnh đất này, miền đất nọ, và đánh dấu tình yêu thương mà tôi dành cho những con người đã đến rồi đi trong đời tôi. Mỗi năm, những đồ vật chẳng đáng giá gì mấy cứ chất đầy chiếc hộp, cả một quả bàng khô, một con ve sầu chưa lột xác còn giữ nguyên màu xanh óng, đến nỗi tôi phải thay một chiếc hộp lớn hơn.
Khi ông nội mất đi, ba tôi mở hộp ra và đọc cho mọi người nghe tờ di chúc, thứ duy nhất ông để lại là những mảnh đất, chia đều cho tất cả mọi người, đất trồng cây ăn trái, đất trồng khoai sắn và đất trồng lúa. Ông để lại cho tôi tủ sách và một rẻo đất rất nhỏ hình tam giác, nằm cạnh những mảnh ruộng mà ông đã làm lụng suốt đời trên đó. Một mảnh đất đủ để tôi trồng những cây cà chua và những luống rau muống, ông viết vậy, với tất cả tình yêu thương. Trước đây, có lần ông bảo rằng, chỉ với một miếng đất bé xíu như thế thôi, người ta chẳng thể nào đói được. Tôi đã đứng trước rẻo đất ấy và khóc rất nhiều.
Tôi chợt nhận ra là cuộc sống thật sự ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi cũng nhận ra rằng làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó cho tới khi ta không còn cơ hội để trao nó cho họ nữa. Tôi buồn bã khi nghĩ rằng đáng lý ra, tôi phải cho em tôi những chiếc xe đồ chơi khi điều đó còn làm cho chúng vui sướng, hơn là cất giữ hàng năm trời, cho tới khi chúng bắt đầu mơ về những chiếc xe hơi thật. Từ đó, tôi không viết di chúc nữa, tôi vẫn nhặt nhạnh những đồ vật xinh xinh mà tôi nhìn thấy, nhưng không cất đi mà tặng ngay cho ai đó mỗi khi có dịp.
Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc hộp đã trống không của tôi, cũng như chiếc hộp sắt tây chỉ đựng tờ di chúc dài hai trang trang giấy của ông nội, vì tôi biết, có một thứ vẫn luôn đầy ắp trong chiếc hộp ấy, đó là tình yêu thương ông Nội dành cho tôi, và tình thương tôi dành cho mỗi người tôi gặp, cho cuộc sống này.
Đặng Nguyễn Đông Vy

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.
khai quat Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.
Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.
Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.
Vinh, tháng 7/1993
Nhà thơ Văn Hiền

Bồ câu không cần đưa thư

Từ bao đời nay chim bồ câu đã được mệnh danh là sứ giả của hòa bình, vài thế kỷ gần đây, bằng hình ảnh ngậm cành trám xanh, bồ câu nghiễm nhiên trở thành biểu tượng cho mong ước hòa bình của toàn nhân loại.
Chuyện Kinh thánh kể rằng, khi xưa Thượng đế sau khi tạo ra loài người, họ đã sinh sôi đông đúc và lương thiện. Nhưng rồi trong đám ấy có những kẻ biến chất, trở nên tham tàn, ác độc làm băng hoại xã hội loài người, Thượng đế quyết định trừng phạt loài người bằng một trận đại hồng thủy. Đời thứ 9 của Adam có một tộc gia đình kính thờ Thượng đế nên biết trước đại nạn này, họ đóng một con thuyền lớn và đưa cả gia tộc mình cùng muông thú họ có lên thuyền tránh nạn.
Trận đại hồng thủy diễn ra gần nửa năm, nhấn chìm toàn bộ nhân loại. Các lục địa cũng trở thành biển nước mênh mông. Sau gần nửa năm lênh đênh trên biển nước, tộc trưởng cho thả bồ câu đi thăm dò nơi có thể cập bến, lần thứ nhất chim bồ câu quay về vội vã vì không tìm thấy chỗ đỗ chân.
Lần thứ hai quay về chim mang theo một cành trám xanh, chứng tỏ nước đã hạ, đất liền đã hiện ra, sự sống còn tồn tại qua cành trám còn xanh mướt kia. Ông đưa gia tộc trở lại đất liền, từ đó loài người tiếp tục sinh sôi nảy nở, bồ câu ngậm cành trám cũng trở thành biểu tượng của sự sống và hòa bình.
pigeon 300x225 Bồ câu không cần đưa thưNhững năm 30 của thế kỷ 17, ở Đức có chiến tranh, nhân dân Đức đã lấy biểu tượng bồ câu ngậm cành trám thêu trên khăn bày tỏ khát vọng hòa bình của mình. Sau thế chiến thứ hai họa sĩ Picaso đã vẽ một bức tranh có biểu tượng này gửi Hội đồng hòa bình thế giới, từ đó trở đi hình ảnh chim bồ câu ngậm cành trám đã đi sâu vào tiềm thức của nhân loại trên toàn thế giới như một biểu tượng hòa bình trường tồn.
Nhưng nếu chỉ là biểu trưng, hoặc hình tượng hòa bình bằng sắt, bằng đồng có lẽ sẽ được khắc ghi sâu hơn, ít bị xâm hại hơn và có thể trường tồn trong cuộc sống, khi mà những giá trị sống thay đổi liên tục theo khuôn thước mà con người đặt ra cho nó.
Ở Venice, quảng trường St. Mark rộng lớn nổi tiếng thế giới vì có bầy chim bồ câu đông đúc và dạn dĩ, rất thân thiện với con người, nó chính là biểu tượng thu hút khách du lịch trên khắp thế giới về đây. Nhưng cũng chính sự phát triển du lịch làm cho bầy chim sinh sôi nhiều hơn nhờ khách du lịch hảo tâm cung cấp lương thực cho chim, chim nhiều đến nỗi phân chim phủ đầy các công trình kiến trúc lịch sử của Venice, chim còn kiếm canxi bằng cách mổ vào tường công trình, làm các công trình này xuống cấp nghiêm trọng, mặt khác một số chim mang một số bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cho con người vì vậy chính quyền đã có một số biện pháp ngăn chặn sự phát triển của loài chim hòa bình này, kể cả biện pháp đánh bắt.
Ở Việt Nam, sau Đại lễ ngàn năm Thăng Long, bầy chim bồ câu 1.000 con, được huấn luyện đưa thư và là biểu tượng hòa bình cũng bị bắt trộm và trở thành những món ăn bổ béo cho giới săn chim làm mồi nhậu,;những con chim được huấn luyện chu đáo cũng bị tóm để trở thành khách trọ vài giờ trong những cái nồi, cái chảo. Sau đó biến mất như vào cõi hư vô. Không phải vì sự gào thét thèm thịt của cái dạ dày con người mà bằng cái sự vô tâm và thiếu hiểu biết cũng như tâm lý “kiếm bất cứ thứ gì có thể kiếm”  của một số người cơ hội.
Nếu biểu trưng hòa bình không phải bằng xương bằng thịt thì có lẽ nó đã trường tồn và không bị đối xử thô bạo đến thế. Nó nên được tạo bằng các loại vật chất có tính vĩnh cửu. Lúc đó không ai có thể cắt tiết, vặt lông và làm thịt biểu tượng được. Chim bồ câu vẫn chỉ là chim bồ câu thôi, vẫn nấu cháo, vẫn quay mà người đời không bị mang tiếng là xâm hại một biểu tượng.
Mặt khác thời đại này đã có email. Và bồ câu không cần phải đưa thư.
Quân Fan

Những mùa không ở lại

End of a rainy season 539x1024 Những mùa không ở lại 

1. Hà Nội – Ban công nhiều gió mùa đông – cốc trà nóng chát…

Linh đóng chiếc lap một cách uể oải, đứng dậy vươn vai mà nghe vài tiếng rắc rắc nơi vai. Ngước nhìn lên chiếc đồng hồ đang tik tak tik tak đều đều, kim dài vừa nặng nề lướt qua con số 7, kim ngắn vẫn đang im lìm nơi con số 2, anh thở dài. Đã 8 tiếng đồng hồ anh không rời mắt khỏi màn hình máy tính. Nhớ lại khuôn mặt tức giận chiều nay của ông tổng biên tập “cậu có 3 ngày, chàng trai trẻ ạ “. Anh cười buồn. Trẻ trung gì nữa. 5 năm gắn với nghề viết truyện viết báo, giờ tuổi của anh cũng đã “đầu 2 đít nửa mùa” rồi.
Bước ra ngoài ban công, anh thu mình trong chiếc áo khoác to sụ. Mùa đông năm nay Hà Nội lạnh, lạnh hơn bất kì mùa đông nào trước đó mà anh đã từng trải qua. Ánh đèn đường phía dưới ban công nhà anh dười như qua cô độc, chơ vơ giữa khung cảnh tối tăm u tịch xung quanh. Rút trong túi áo ra một điếu thuốc, anh châm lửa hút. Đã từ lâu anh tìm sự thanh thản qua những làn khói xanh. Nó như một thứ thuốc an thần xoa dịu mọi căng thẳng trong anh. Xoa dịu cả những nỗi đau ngày đêm anh phải âm thầm chịu đựng. Một giọt nước mắt khẽ lăn dài trên gò má anh. Anh thầm rủa cơn gió mùa đông làm mắt anh chảy nước. Vứt điếu thuốc xuống phía dưới, anh đi tìm giấc ngủ khi đồng hồ điểm đúng 3h sáng.
- Này dậy chưa?
- Chưa tao đang ngủ?
- Tao cho mày 30′ trước khi đứng trước mặt tao với bộ cánh chỉnh tề. Chỗ cũ.
- ….
Là Hiếu – người bạn thân suốt 5 năm của anh, tặc lưỡi anh vung chăn ra khỏi người, chạy vội vào nhà tắm. Anh chưa từng trễ hẹn với người bạn thân của mình dù chỉ là một lần. Đối với anh Hiếu như một người anh em thân thiết, Hiếu luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Linh mỗi lúc anh mỏi mệt. Hơn thế nữa, anh còn rất phục Hiếu. Tình yêu với Dung đến giờ đã tròn 10 năm. 2 người sắp làm đám cưới.
Trước khi ra khỏi nhà, anh vẫn không quên đi ra ngoài ban công nhiều gió. Anh hít một hơi thật dài, để cho những luồng khí lạnh tràn vào phổi giúp anh tỉnh táo. Vài tia nắng le lói đậu trên vai anh như muốn sưởi ấm cho một người trái tim đã quá nhiều vết thương. Một người tìm đến công việc quên đi tất cả.
Anh lái xe vòng qua những con phố khi chiếc đồng hồ trên tay anh chỉ 8h. Hà Nội mùa đông bình minh rất muộn, những con phố vẫn còn ngủ vùi trong vòng tay của bà chúa mùa đông. Hàng liễu quanh Hồ Gươm cũng rúm ró, co mình nép dưới những bóng bằng lăng, phượng vĩ như tìm hơi ấm. Phố Hàng Vải vẫn thưa thớt bóng người qua lại. Vài cụ già ngồi bên bếp lửa hồng của chiếc lò mới nhóm, nhâm nhi vài ngụm trà nóng, kể với nhau những câu chuyện mới in trên báo. Vài ông bố bà mẹ, vội vã đi làm sau khi đã đưa con đi học. Ai cũng thu mình trong những chiếc áo dày cộp, to sụ, như thể họ đều là nhân vật “người trong bao” của tác giả Anton Pavlovich Chekhov.
- Mày đến muộn vậy – Hiếu cười cười khi anh vừa đến
- Dạ thưa anh, em đến sớm hơn thời gian hẹn 10 phút cơ ạ
- Ờ thôi ngồi đi. U ơi cho con cốc trà nóng.
- Sao hôm nay gọi tao ra đây có việc gì? Mày có biết tao đang bị lão phệ chỗ tao quần thảo như nào không? Bận chết đi được -anh cằn nhằn khi đưa tay xoa xoa 2 bên cốc trà nóng.
- Rồi rồi, tao biết mày bận rồi, dù mày bận đến mấy thì cũng phải đi dự đám cưới của tao chứ? – Hiếu nháy mắt vui vẻ
- Vậy là mày đã quyết – anh hỏi, mắt vẫn tiếp tục nhìn ra dòng người đi trên đường.
- Ừ, tao quyết định rồi, tao phải lấy vợ, chứ làm sao tao cứ ế dài như mày được – Hiếu cười cợt mà không để ý thấy trên trán anh chớp qua một cái nhăn rất khẽ, và vô thức anh bất giác thở dài.
Mọi thứ rơi vào im lặng. Hiếu thầm trách mình, đã vô tình khơi dậy lại nỗi đau trong anh. Một nỗi đau anh không bao giờ có thể quên được.

2. Hà Nội – ban công nhiều nắng – ly trà sữa thạch cỏ ngọt ngào

- Anh, quay ra đây cười một cái nào.
Lê Vy gọi anh khi anh đang ngồi trên ban công, tỉ mỉ tưới nước cho những chậu xương rồng. Nghe tiếng người yêu gọi, anh chỉ nói với ra sau:
- Từ cho anh tưới cây đã.
- Nhanh không em ném máy đi giờ, nhanh đi mà. – Vy phụng phịu
- Được rồi, anh cười đây
Vy bấm máy, anh đang cười một cách rất…buồn cười. Đôi mắt híp tịt, cả hàm răng được khoe ra gần hết, mài tóc anh dưới nắng màu hạt dẻ thật đẹp. Cô cười với anh
- Đẹp lắm anh ạ
- Thì tấ nhiên, người yêu của em mà
- Em yêu anh.
Cô đặt lên môi anh một nụ hôn thật khẽ, dưới ánh nắng của buổi bỉnh minh, họ đã trao nhau tình yêu thật tuyệt vời.
Hằng ngày, anh vẫn thường mua cho cô một cốc trà sữa thạch cỏ. Lâu dần thành quen, mấy cô phục vụ ở quán trà sữa Đài Loan trên phố Phan Đình Phùng biết đến anh như một người khách vãng lai, chỉ dừng lại vào đúng một giờ trong ngày và luôn chỉ mua một cốc trà sữa thạch cỏ.
- Sao ngày nào anh cũng mua trà sữa thạch cỏ cho em vậy – Lê Vy nheo mắt hỏi anh
- Ừ em biết không, trà sữa thạch cỏ luôn có màu sắc tinh khôi nhất, giống như em vậy – Anh nói, ánh mắt anh dịu dàng nhìn thẳng vào mắt cô.
- Anh biết điều gì không?
- Không…
- Em thật may mắn vì đã có anh trong cuộc đời…
Hà Nội những ngày đầu tháng 12, cái lạnh bao trùm khắp không gian, làm run rẩy bất kỳ ai đi ngoài phố. Ấy vậy mà dưới dàn hoa giấy cuối một ngõ nhỏ, vẫn có một đôi trai gái đứng bên nhau thật lâu. Môi chàng trai đặt nhẹ lên trán cô gái, vòng tay anh siết chặt lấy cô tựa hồ như hạnh phúc đang có như một giấc mơ mà anh sợ nếu nới lỏng tay thì sẽ bay mất.
Nhưng rốt cuộc, hạnh phúc ấy cũng bay mất theo cô nơi Châu Âu xa xôi…
Cô lên đường du học. Ngày cuối trước khi đi, anh giấu nước mắt sau nụ cười thật tươi, giống nụ cười của anh ngày nào nơi ban công đầy nắng ấy. Cô khóc, cô hứa sẽ quay trở lại, cô hứa cô vẫn sẽ yêu anh, sẽ tìm anh. Nhưng cỏ rồi cục có lúc héo úa, và tình yêu của cô dành cho anh cũng có lúc rơi vào hư vô.

3. Sài Gòn – Nắng lạnh.

Linh xin chuyển công tác vào một chi nhánh của tòa sạn tại Sài Gòn. Hà Nội đẹp, nhưng nó lưu giữ nhiều kỉ niệm của anh quá. Anh không muốn nhớ đến những con phố chim trong màn sương mờ ảo của một sớm mùa đông, anh không muốn nhớ đến ly cà phê mà anh và Vy cùng uống. Anh cũng không muốn nhớ những lần anh và cô đi xem phim, anh chăm chú xem những cảnh hành động, còn cô thì lăn ra ngủ khì. Anh cũng không muốn nhớ những bữa cơm mà anh tự tay nấu cho cô ăn. Anh không muốn nhớ bất cứ điều gì về cô. Nhưng dường như, càng không muốn nhớ thì càng không thể quên.
Anh thật sự không thể ngờ rằng sau 3 năm chờ đợi, cô đã phản bội anh. Tốt nghiệp đại học rồi đi làm, anh cố gắng làm việc thât tốt đợi cô về. Những email lúc đầu còn dày đặc, rồi thưa thớt dần, thậm chí có những email không thể ngắn gọn được hơn. Có những đêm anh thức đợi cô đi học về ở múi giờ bên kia, ngồi hàng giờ liền để mong một lần thấy skype của cô sáng, nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Anh tự dặn lòng là cô quá bận học, không thể giữ liên lạc với anh. Ngày cô trở về, anh đứng trước sân bay với bó hoa đẹp nhất, vậy mà tất cả như sụp đổ khi thấy cô tay trong tay với một anh chàng ngoại quốc. Trông cô thật hạnh phúc. Cô thay đổi nhiều, không còn là thiếu nữ ngây thơ như ngày nào mà trở thành một người phụ nữ đẹp và sắc sảo. Trông họ thật đẹp đôi. Anh chạy trốn trong cơn mưa Hà Nội như trút nước. Để rổi một tuần sau đó anh chạy trốn luôn cả Hà Nội. Chạy trốn tất cả những kỉ niệm mà anh và cô đã từng có.
Linh thích ứng khá nhanh với môi trường mới. Bạn bè mới, đồng nghiệp mới, ai cũng hòa đồng và thân thiện. Họ giúp Linh rất nhiều trong việc làm quen với công việc, đường sá, nhà cửa và họ cũng giúp góp một phần giúp anh quên đi Vy.
Sài Gòn nắng mưa bất chợt, nhưng không khí lại rất dễ chịu. Không giống Hà Nội, nắng Sài Gòn không gay gắt, mà ngược lại, đi kèm với nắng luôn là những cơn gió thật dễ chịu và mát mẻ. Nhưng giường như với Linh, nắng rất lạnh. Anh thấy trong nắng là nụ cười của người anh yêu. Nắng giờ đây với anh sao lạnh lùng mà vô cảm quá.

4. Hà Nội – Những mùa không ở lại

Sau 2 năm công tác, anh về với Hà Nội. Về với Hà Nội, cảm xúc trong lòng anh dâng lên thật mãnh liệt. Anh nhớ nơi này đến cồn cào, đến nỗi mà kể cả khi nhắm mắt anh vẫn còn mơ thấy những con phố, những gánh hàng hoa, những quán cóc vỉa hè. Anh cảm thấy sau 2 năm xa Hà Nội, anh lại càng yêu nơi này hơn, yêu những gì đã trở thành một phần máu thịt trong anh. Anh gặp lại Vy vào một buổi chiều mùa đông..
- Anh khỏe chứ, trông anh có vẻ xạm đi nhiều
- Cảm ơn em, anh vẫn khỏe, và thậm chí anh còn thấy mình khỏe hơn cả ngày trước ý chứ.
- Anh à, em…em…em xin lỗi
- Đừng nói gì cả, em hạnh phúc chứ?
- Vâng, em rất hạnh phúc
- Vậy là ít ra còn có người yêu em nhiều như anh. Anh có cái này muốn tặng em, về nhà hẵng mờ nhé
Cô bước ra khỏi quán, anh nhìn theo cô qua ô cửa kính. Bên ngoài cô đang hôn người yêu mới thật hạnh phúc và say đắm, anh thở dài. Nhưng trong tiếng thở dài không còn sự bi ai hay tuyệt vọng nữa…
Em à
Có lẽ nhứng dòng này không đủ để nói hết suy nghĩ của anh
Nhưng anh vẫn phải viết, anh vẫn phải nói với em rằng, thực sự anh vẫn còn yêu em
Anh đã cố gắng chạy trốn tất cả, chạy trốn khỏi Hà Nội, chạy trốn khỏi em, khỏi tất cả kỉ niệm mà mình đã từng có
Và rồi anh nhận ra rằng, có lẽ, anh yêu em vẫn chưa đủ. Ít ra chưa đủ để em thấy rằng trên thế giới này vẫn có một người yêu em nhiều hơn tất cả những gì em có thể biết.
Nhưng anh không hối hận
Anh không hối hận vì đã yêu em, đã cùng em đắm chìm trong hạnh phúc, đã từng được nấu cho em những bữa ăn thật ngon, cùng em dạo qua những con phố Hà Nội, cùng em chia sẻ những lúc vui hay cả những lúc tột cùng của sự đau khổ
Anh tin sau tất cả, anh cũng sẽ tim được một người yêu anh thật lòng như em vậy. Dù có mất bao lâu đi chăng nữa
Anh sẽ không chúc em hạnh phúc
Vì anh biết em sẽ luôn có điều đó trong cuộc đời
- Chị ơi, cho em một cốc trà sữa thạch cỏ nhé
- Em dùng tại quán hay mang về
- Cho em dùng ở đây đi
- Xin lỗi, nhưng quán chị hết bàn rồi, em ngồi tạm cạnh anh đeo kính đằng kia nhé….
Có lẽ hạnh phúc đến với anh cũng không mất quá nhiều thời gian như anh tưởng tượng
- Ê mày có sao không, tao xin lỗi – Hiếu xin lỗi khi thấy mặt anh bỗng trầm ngâm một lúc khá lâu
- Không sao, mày này, cũng sắp lập đông rồi nhỉ.
- Ừ nhưng sao mày thích đông thế, trong mắt tao, mùa đông chỉ toàn lạnh lẽo với đau khổ thôi
- Với tao, đó là những mùa không ở lại, ở quanh tao, mày hay Hà Nội, và cả trong trái tim tao cũng thế.
Đúng lúc ấy, màn hình anh hiện lên có một tin nhắn mới, anh mở ra và mỉm cười thật hạnh phúc
- Anh à, em yêu anh nhiều lắm……
Hà Nội 12h25 2.8.2011
Gin Ken

Nếu biết trăm năm là hữu hạn

Trong cuộc trò chuyện lan man dịp Tết, một người bạn vong niên của tôi than thở rằng “Điều đáng thất vọng nhất về giới trẻ ngày nay là họ ưa hưởng thụ quá!”. Một người khác cười: “Ưa hưởng thụ thì có gì sai? Thú thật là tôi đây, tôi cũng ưa hưởng thụ”.
summer time by cute and bright d3i74kc Nếu biết trăm năm là hữu hạn
Và tôi, tôi đồng ý với người bạn thứ hai. Tôi cũng không cho rằng sự ưa hưởng thụ là một điều sai trái hay là con đường dẫn đến vấp ngã. Ngược lại, sai lầm của chúng ta nằm ở chỗ chúng ta thường đắm chìm trong ảo giác và ít khi thực sự biết hưởng thụ. Hưởng thụ thực sự không phải là tàn phá, bất cứ thứ gì kể cả chính mình. Hưởng thụ thực sự là mong muốn giữ gìn, bảo vệ, bồi đắp…kể cả chính mình.
Mồng hai Tết vừa rồi, tôi cùng gia đình đến Tao Đàn để xem hoa. Lúc ấy là buổi chiều, trời mát, người đông đúc… Khi dừng mắt ở một chậu hoa mai trắng, giữa ánh sáng nhập nhoạng, tôi bỗng nhận ra rằng suýt nữa thì mình đã trải qua một buổi chiều vô nghĩa ở Tao Đàn.
Bạn đến Hội hoa xuân Tao Đàn làm gì nếu không để ngắm hoa? Đó chính là mục đích đầu tiên, sự đông vui nhộn nhịp là quà khuyến mãi. Nhưng chúng ta không thể tận hưởng vẻ đẹp của hoa ở đó vào thời điểm đó. Nắng đã tắt, đèn vừa lên. Đó là thời điểm rất tệ để thực sự ngắm hoa.
Nhưng chúng ta vẫn đi loanh quanh. Chúng ta ngó nghiêng đây đó. Chúng ta trầm trồ bình phẩm. Chúng ta chen nhau chụp ảnh. Rồi chúng ta ra về và tưởng mình đã được ngắm hoa. Nhưng không. Chúng ta hầu như, đã lướt qua mà không thực sự nhìn ngắm. Hoặc chúng ta đã cố gắng ngắm nhìn nhưng chỉ thấy được 30 phần trăm vẻ đẹp mà chúng ta có thể nhìn ngắm ở những chậu hoa đó vào buổi sáng, khi sương còn đọng và nắng mới ửng màu…Cái còn đọng lại trong ký ức chúng ta là một ảo giác, chứ không thể là vẻ đẹp thực sự của những bông hoa.
Bạn có nhận ra chăng, rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu…Và rốt cuộc, cả một cuộc đời.
Có người nghĩ rằng cần phải có nhiều tiền mới có thể hưởng thụ thực sự. Nhưng không. Với tiền, bạn có thể sở hữu nhiều thứ. Nhưng chỉ sở hữu thôi thì không mang lại hạnh phúc. Và chỉ sở hữu, không có nghĩa là biết hưởng thụ. Một người biết tận hưởng chiếc máy ảnh xịn khác với một người sở hữu máy ảnh chỉ vì muốn người khác khen là nó rất xịn. Một người thực sự hiểu, và biết tận hưởng tốc độ, tiện nghi của chiếc xe hơi khác với một người mua nó chỉ vì tin rằng sở hữu nó sẽ chứng tỏ mình thành đạt. Một người thực sự am hiểu hội họa, và biết giá trị của bức tranh mình mua sẽ rất khác một người bỏ nhiều tiền mua tranh chỉ để nghe những lời trầm trồ của người khác trong phòng khách nhà mình.
Có người nghĩ rằng hưởng thụ cuộc sống đồng nghĩa với vật chất. Nhưng không. Hưởng thụ cuộc sống tức là tận hưởng mọi thứ tốt đẹp mà cuộc đời và vũ trụ mang đến cho bạn. Vật chất, tinh thần, thể xác. Cổ điển hay hiện đại. Nắng và gió, ngày và đêm. Mặt trời, mặt trăng, cây cối, núi sông, và cỏ dại. Tình bạn, tình yêu. Mọi thứ, nếu bạn có thể nhận ra chúng. Đáng buồn là nhiều lúc, chúng ta không nhận ra chúng, mà chỉ nhìn thấy những ảo ảnh khác. Chúng ta bị ảo giác.
Chúng ta chỉ sở hữu mà cứ ngỡ rằng mình đang được hưởng thụ. Đó là một ảo giác. Hoặc chúng ta đang trải qua điều này mà cứ tưởng rằng mình đang hưởng thụ một điều khác. Đó lại là một ảo giác khác. Ví như khi bạn tưởng mình đang tận hưởng tình yêu say đắm, nhưng thật ra, chỉ là những thỏa mãn nhục dục. Không hơn.
Một người bạn vong niên của tôi từng nói về những ảo giác rằng: “Nếu người ta ngưỡng mộ anh chỉ vì anh viết ra những điều hay ho – trong khi chẳng biết anh là ai – thì hãy nhớ đó chỉ là ảo giác. Bởi vì sẽ có một ngày anh viết dở tệ, và sự ngưỡng mộ tan vào hư không”.
Sự ngưỡng mộ của người khác dành cho một món đồ mà chúng ta sở hữu cũng vậy, chỉ là ảo giác, bởi dù thật hay giả thì đến một lúc nào đó chúng cũng bay biến đi, kể cả khi món đồ vẫn ở lại.
Hưởng thụ, hay chỉ trải qua? Kết quả khác nhau chính là sự mãn nguyện. Khi chỉ trải qua, chúng ta thường hay băn khoăn: Phải chăng đó đã là cái đẹp thực sự? Chuyến du ngoạn đáng giá? Bữa ăn đáng tiền? Phải chăng chiếc điện thoại đó đã là “đỉnh” nhất? Chiếc áo đó đã là đẹp nhất? Phải chăng ta đã có được thứ tương xứng với những gì ta bỏ ra? Những người thực sự hưởng thụ thì không băn khoăn, mà thường mãn nguyện. Những người thực sự tận hưởng hạnh phúc cũng vậy, họ mãn nguyện. Niềm vui đôi khi bị thúc đẩy bởi nhu cầu phải hét toáng lên cho cả thế gian. Nhưng sự mãn nguyện thường có gương mặt rất lặng lẽ, và hiếm khi phô trương.
Tôi nhận ra rằng để có thể hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có, và biết cách tận hưởng tối đa những gì ta xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ.
Chiều xuân muộn, ở Tao Đàn. Thay vì đi lang thang ngắm hoa, tôi tìm một chỗ ngồi trong khu ẩm thực và gọi một ly bia lớn. Tôi nhận ra rằng khi quay nhìn lại, mình sẽ thấy rất nhiều nuối tiếc. Nhưng nuối tiếc thì có ích gì đâu. Trong buổi chiều nay, tôi đã không thể thưởng hoa thực sự. Nhưng tôi sẽ thưởng thức ly bia này. Và giây phút êm đềm ngắn ngủi mà chúng ta được ngồi bên nhau, cười với nhau. Chúc cho chúng ta không chỉ trải qua, mà thực sự biết hưởng thụ cuộc đời, trong từng thời cơ mà nó mang đến mỗi ngày.
Có những điều, nếu bạn hiểu được bản chất của nó, nếu bạn gọi tên nó ra, nếu bạn thoát khỏi ảo giác, bạn không còn mong muốn có nó nữa. Ngược lại, có những điều, nếu bạn hiểu được nó, bạn nhận thức được giá trị của nó, bạn sẽ không bỏ qua nó như đã từng. Ví như cơn gió rất trong lành này. Nếu bạn biết, bạn sẽ không bỏ đi ngay mà đã dừng lại, nhắm mắt và hít một hơi thật dài, thật sâu.
Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn sẽ luôn thấy mình đã sống rất sâu.
Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?
Phạm Lữ Ân

Chuyện vụn vặt ngày Chủ Nhật…

Chủ Nhật tuần này vào đúng đợt rét đậm rét hại kéo dài toàn miền Bắc. Rét đến thấu xương, sáng ra đánh răng mà như ngậm nước đá trong mồm. Nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ C, học sinh tiểu học được nghỉ học. Bố mẹ khăn áo kín mít co ro đi chợ, lẩy bẩy chen lấn ngoài đường để đi làm ca. Tôi đã tỉnh dậy từ lâu nhưng cứ lần chần, tự động viên mình nằm trong chăn thêm chút nữa… chút nữa… chút nữa… Ngoài đường, qua tiếng than thở của bà bán rong giấy vệ sinh, khăn mặt, tôi biết trời đã đổ cơn mưa.
sleeping beauty Chuyện vụn vặt ngày Chủ Nhật...
Chẳng có việc gì làm, tôi và đứa em cùng phòng chơi trò “ai im lặng lâu hơn?”. Tôi thích sáng kiến này, bởi ít ra tôi cũng có thể trùm chăn đọc sách, lướt web xem báo mà không bị ai quấy rầy. Sự im lặng thường là một món quà ý nghĩa đối với tôi. Đứa em trùm chăn cười khúc khích, tôi biết với một đứa mồm mép tép nhảy như nó thì việc im lặng là cả một cực hình. Còn tôi, đã bắt đầu chú tâm vào bài báo viết về các tử tù trước giờ đi trả án. Một bát cơm, một đĩa thịt gà xé, một đôi mắt ầng ậc nước và những bộ quần áo xanh đứng vây quanh. Đó là bữa cơm ngon, được người đầu bếp trại giam nấu rất chu đáo.
Khi nhìn hình ảnh ấy, không hiểu sao nước mắt tôi cứ lặng lẽ trào ra. Bữa cơm ấy là sự nhân văn, nhân đạo của con người dành cho nhau, mà sao nghe đau xót quá. Một bữa cơm ngon đối với những người tử tù khi ấy, chẳng khác gì một lần nữa họ nghe lại bản tuyên án của mình. Có thể họ không nhận ra cơm hôm đó rất dẻo, thịt gà hôm đó rất ngon. Nhưng họ nhận ra một điều rõ ràng nhất là họ không còn được tồn tại trên cuộc đời này để ăn những bữa cơm do người mẹ già còng lưng thổi lửa. Hay do người vợ tảo tần, người con hiếu thảo vẫn hằng ngày đợi họ về sum họp. Có thể họ sẽ coi những miếng ăn cuối cùng là vô cùng đau đớn và nhục nhã. Họ nhục bởi vì cái quyền sống của chính bản thân, không ai khác lại bị chính họ tước đi. Và tôi biết, có rất nhiều người trong số họ thấy sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy bát cơm trắng và đĩa thịt gà. Họ đã không nuốt nổi.
Tôi đọc xong bài báo về tiếng mở cửa rất sớm, tiếng súng phía xa xa ở khu trại tử tù. Tự nhiên tôi thấy sợ những buổi bình minh đến vậy. Có những nỗi hoảng loạn, những sự sợ hãi khi nghe thấy tiếng chân người quản giáo chậm chậm dừng lại ở một phòng giam nào đó. Rất có thể, sáng mai, sáng kia sẽ dừng lại ngay trước cửa phòng mình. Những tiếng chân rất khẽ nhưng tiếng nhịp tim thì rất mạnh. Mỗi ngày, có một phạm nhân nào đó sẽ nghĩ “làm ơn hãy đến và mang tôi đi khỏi sự chờ đợi khủng khiếp này”. Hôm nay là chủ nhật. Trời rất lạnh. Tôi cứ thắc mắc mãi, người tử tù đi trả án hôm nay liệu có ai khoác cho họ một manh áo ấm. Miền Bắc lạnh chi mà lạnh thấu da thấu thịt.
Tôi và đứa em vẫn cần mẫn chơi trò “im lặng”. Đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua, chúng tôi không có gì thật cần thiết để phá lệ, để nói với nhau một câu. Thế mới biết hằng ngày mình toàn nói những câu thừa thãi và vô nghĩa. Thành phố đông đúc như càng chật chội thêm bởi hàng nghìn, hàng vạn ngôn từ tuôn ra từ những cái miệng méo tròn. Để rồi cuộc sống cứ dẫm lên cái lớp vỏ ngôn từ ấy mà trôi qua lặng lẽ. Những thân phận, những kiếp người…
Tôi đã gặp người đàn ông ấy sáng nay, ngoài chợ. Ông đứng ở cột điện, chờ vợ chồng cô hàng rau sai đi đưa hàng cho các nhà dân trong phố, rồi quay lại lấy mấy nghìn tiền công ít ỏi. Người đàn ông ăn mặc nhếch nhác, râu ria xồm xoàm, đôi mắt u buồn luôn nhìn xuống đất. Người ta bảo ngày xưa người đàn ông ấy rất giỏi, làm chủ thầu hết công trình này đến công trình kia, tiền kiếm rất hời. Nhưng khác hẳn với những người đàn ông cùng nghề, nay đây mai đó trăng hoa, ông rất yêu vợ nên làm được bao nhiêu đều mang về cho vợ hết. Họ bảo:
- Nó bị điên cũng chỉ vì vợ mang hết số tiền vất vả tích cóp bao nhiêu năm đi cho trai. Uất ức, suy nghĩ nhiều quá mới thành ra như thế.
Người đàn ông nghe người ta kể chuyện mình mà im lặng như nghe chuyện người dưng vậy. Đôi mắt vẫn nhìn xuống đất, chìa bàn tay gầy guộc nhận lấy vài nghìn tiền công, rồi lại ngồi thu lu hứng chịu những cơn gió buốt.
- Chú ấy cứ ngồi mãi đó làm gì ạ?
- Đợi vợ về chứ còn làm gì. Vợ nó đi theo trai từ khi cơ nghiệp chẳng còn gì ngoài cái xác nhà. Kể mà đứng tên nó chắc nó cũng bán nốt. Loại đàn bà bạc bẽo thế mà hôm nào cũng ra cổng đợi từ mờ sớm.
Tôi đi hết hai dãy chợ, mặc cả hết cá tôm đến rau cỏ mà trong đầu vẫn không dứt nổi hình ảnh về người đàn ông ấy. Khi tôi nằm ngủ nướng trên giường và tự động viên mình nằm chút nữa thôi… chút nữa… thì có thể người đàn ông ấy đã dậy thật sớm, ra cổng ngồi và tự dặn mình từ ngày này qua ngày khác “cố chút nữa thôi…chút nữa…”. Thế nhưng người vợ vẫn không về. Tôi bỗng rùng mình khi nghĩ rằng, mùa đông con người ta cần nhau hơn và những người không có ai bên mình thì sẽ trở nên cô đơn khủng khiếp. Mà nỗi cô đơn nhiều khi giết chết con người. Hôm nay là chủ nhật, mọi người được nghỉ ngơi sau một tuần làm việc. Những người vợ đi chợ bảo nhau:
- Mua cái này về hầm khoai tây thì ngon phải biết. Ông xã tôi khoái nhất món này!
- Ông nhà tôi ấy hả? Chỉ thích ăn thịt bò súp vang thôi. Đến là khó chiều, nấu mấy món ấy lâu lắm mà tôi thì có khéo léo và kiên nhẫn gì trong chuyện bếp núc đâu.
Người đàn ông vẫn cúi đầu. Trán ông khẽ giật giật. Những đợt gió mùa vẫn lùa qua tai lạnh buốt. Trời rét nhưng chợ vẫn đông, những bước chân run run vội vã đi qua trước mặt. Người đàn ông vẫn nhìn xoáy vào mặt đất.
Tôi nhớ ra một vài điều định nói nhưng rồi lại nhớ đến luật chơi “im lặng”. Đứa em cùng phòng dường như cũng muốn nói với tôi điều gì đó rồi thôi. Chúng tôi, mỗi người lại theo đuổi một ý nghĩ vu vơ nào đó. Lào Cai, Lạng Sơn mấy hôm nay nhiệt độ xuống rất thấp. Người ta dự báo trên đỉnh Mẫu Sơn nhiệt độ đã âm vài độ, đã có băng tuyết bao phủ. Ở Sapa mọi thứ cũng gần đóng băng rồi. Người ta đua nhau lên đó du lịch, ngắm cảnh băng tuyết vốn hiếm hoi của đất nước thuộc vùng khí hậu nhiệt đới này. Thậm chí người ta còn mong nhiệt độ xuống thấp hơn nữa, để có thể thỏa mãn trí tò mò, để được sống trong cảm giác mới lạ. Trâu bò rét quá chết nhiều, những hàng thịt trâu la liệt bày bán trên quốc lộ. Người dân phơi mặt ra sương, đốt đống củi chống chọi với cái rét để mong bán được hết thịt trâu, bù lại phần nào tiền mua giống. Khách du lịch lại có thêm món thịt trâu rừng cho chuyến đi thêm phần thú vị. Những tiếng thở dài chìm xuống, bao ánh mắt lo âu mờ đục trong màn sương lạnh giá. Chỉ có nhà nghỉ, các công ty du lịch là hồ hởi, tấp nập đón tiếp và thu lợi từ sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Bạn tôi đi công tác vùng cao, mang về một bức ảnh chụp hai em bé đứng co ro trong giá rét khi chỉ mặc độc một chiếc áo mà không có quần. Các ngón chân em còn bám đầy bùn đất, dù chỉ nhìn qua ảnh người ta cũng có thể thấy hai con giống nhỏ đỏ tấy lên vì rét. Dưới thành phố, người ta bàn nhau lên Sapa hưởng tuần trăng mật, khám phá thiên nhiên, tận hưởng cảm giác mới lạ. Còn tôi, tôi rất sợ chạm tay vào băng tuyết. Bởi vì chúng rất lạnh. Tôi sợ một ngày nào đó trái tim mình cũng đóng băng như thế. Và… biết đâu lại có người đến hả hê xem…
Chúng tôi đã im lặng với nhau gần hết một ngày dài. Để giật mình nhận ra rằng hình như chúng ta đã quen dần với sự im lặng đó. Một ngày, hai ngày rồi mười ngày. Rất có thể sẽ là mặc định chứ không còn chỉ là một trò chơi nữa. Chủ nhật buồn không phải vì sự im lặng, sự thiếu vắng của những câu chuyện tếu táo, vô bổ. Mà chủ nhật buồn vì có quá nhiều khoảng lặng để mà ngẫm nghĩ… Mai lại là ngày đầu tuần. Cuộc sống lại vùn vụt trôi đi…
Câu chuyện mà tôi kể trên đây nó thực chất chỉ là những chuyện vụn vặt trong một ngày chủ nhật gió rét toàn miền Bắc. Bạn phải sống trong những ngày này mới có thể hiểu được vì sao tôi lại quan tâm đến những chuyện chẳng đâu vào đâu như thế. Có thể đã làm bạn thất vọng vì nó không đáp ứng thỏa trí tò mò của các bạn. Có thể đã làm phiền các bạn phải quan tâm. Nhưng tôi biết rằng, trong chúng ta ngày nào chả gặp những câu chuyện vụn vặt tương tự như tôi. Chỉ có điều nếu nó không phải là một ngày rét buốt, thì rất có thể tôi đã phóng xe ra đường, tụ họp bạn bè đâu đó mà quên béng những hình ảnh lướt qua trong đầu. Ừ! Chỉ là một ngày rét mướt, chúng tôi trùm chăn ngồi ở nhà và chơi trò “ai im lặng lâu hơn?”.
Vũ Thị Huyền Trang

Cô bé bán diêm

Thiệt tình là không muốn đăng một câu chuyện buồn vào dịp Giáng sinh nhưng có lẽ Cô Bé Bán Diêm sẽ giúp chúng ta trân trọng hơn những khoảnh khắc đang còn được hạnh phúc và ấm áp bên gia đình icon smile Cô bé bán diêm
Giao thừa năm ấy trời thật lạnh và tuyết rơi xối xả. Trời đã xế chiều, trong bóng tối và giá lạnh, một em bé đầu trần, chân đất cùng những gói diêm vẫn lang thang dọc phố mặc cho những bông tuyết rơi đầy trên mái tóc hoe vàng xõa ngang vai. Đôi giày quá rộng vốn là của mẹ, một chiếc đã bị cuốn theo bánh cỗ xe song mã lướt nhanh khi em băng qua phố, chiếc kia thì một thằng bé lấy đi.
Các cửa sổ đã sáng đèn và mùi ngỗng quay thơm lừng tỏa ra. Bé vẫn biết hôm nay là giao thừa nhưng không dám về nhà, chắc bố sẽ đánh đòn vì cả ngày chưa bán được lấy một xu, với lại ở nhà nào có hơn gì, nó chỉ có mỗi cái mái dột nát mặc cho gió rít. Cuộn người trong góc giữa hai ngôi nhà nhưng tay chân vẫn đóng băng vì lạnh, em chợt nghĩ biết đâu bật diêm lên sẽ tốt hơn, chí ít cũng có thể sưởi ấm những ngón tay. Que thứ nhất bật lên, hơ tay trên ngọn lửa ấm áp sáng bừng như cây nến nhỏ, em tưởng mình đang ngồi trước chiếc lò sưởi sắt to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở.
Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, bé nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt.
Bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, em thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống, Ai đó đang từ giã cõi đời, em bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này.
Cô bé bật que diêm thứ tư, ánh sáng bỗng bao trùm, giữa vầng sáng, bà đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu và âu yếm. Bà ơi!, em khóc nấc lên, Bà mang cháu đi cùng nhé! Cháu biết bà sẽ rời bỏ cháu khi que diêm cháy hết, bà sẽ biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như chú ngỗng quay và cây thông rực rỡ. Em vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bừng lên còn hơn cả vầng dương và bà trông như chưa đẹp lão, cao lớn đến thế bao giờ. Bà ôm em trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất, đến với Chúa, đến nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau.
co be ban diem Cô bé bán diêm
Rạng sáng hôm sau, người ta thấy cô bé đáng thương đang ngồi tựa vào tường, má ửng hồng, nụ cười nở trên môi. Em đã chết cóng, tay vẫn nắm chặt những que diêm, một nhúm đã cháy tàn. Nó cố sưởi ấm cho mình, mọi người nói mà không biết được những gì đẹp đẽ em đã nhìn thấy cũng như cõi thiên đàng mà em cùng đến với bà.
Hans Christian Andersen

Lại chia tay nữa sao?

Hôm nay tình cờ khi lang thang trên mạng, tớ vào facebook của cậu. Tớ đã lý luận rằng tớ chỉ vào cho vui thôi, vào xem cậu dạo này thế nào, có thật sự ổn không?
Relationship Lại chia tay nữa sao?
Tớ lần tìm lại những điều cậu viết khi xưa, khi đang bồ kết tớ và khi hai đứa đã chia tay. Tớ bất ngờ trước những dòng cậu viết – dù không biết tớ đã đọc nó biết bao nhiêu lần rồi. Tớ từng hân hoan, hạnh phúc vì những dòng chữ ấy rồi cũng chúng thay cậu nói lời chia tay tớ, khiến tớ rơi lệ.
Cậu viết rằng tớ phải mạnh mẽ, rằng tớ sẽ hạnh phúc khi không có cậu ở bên, rằng cậu luôn chỉ làm tớ buồn…Tớ thấy lúc ấy sao cậu cao thượng quá… Tớ thấy mình bỗng yếu đuối và thấy rồi sẽ nhanh quên được cậu… Cậu nói cậu đã tìm thấy người làm trái tim cậu loạn nhịp, tìm thấy một bến đậu bền vững hơn. Cậu xin lỗi tớ nhiều đến mức tớ thấy hình như cậu đang mắc nợ tớ, thấy tớ sao nhiều lỗi để cho cậu xin đến thế?
Đến hôm nay, ngồi đọc những dòng entry của cậu, cho một cô bé khác. Cô bé có cái nick ngồ ngộ: Bông. Tớ đã từng giận Bông vì Bông xen giữa cậu và tớ, vì Bông trong trắng quá, tinh khiết quá. Tớ không bất ngờ khi cậu nói cậu yêu Bông và xin lỗi tớ vì đã lừa dối tình cảm của tớ… Cậu có tin là tớ mong cậu và Bông hạnh phúc sao không? Đã mong Bông thay thế tớ tốt thế nào không? Thế mà…
Chuyện hai người còn kết thúc nhanh hơn chuyện tớ và cậu. Hóa ra cô bé Bông tinh khôi ấy cũng không đủ sức níu kéo cậu. Cậu đã tìm được tình yêu mới, tìm được lẽ sống của cuộc đời… Cậu lại chia tay Bông để theo đuổi một người mà như cậu nói thì hình bóng người ấy đã choán hết tâm hồn cậu.
Lại kịch bản xưa phải không cậu? Lại tự nhận mình là một gã Đông Joang, một kẻ tồi. Lại tiếp tục khuyên người con gái ấy phải sống ra sao, quên cậu thế nào, lại mong muốn khi gặp lại sẽ mỉm cười với cậu… Sẽ cho cậu thấy cậu đã sai khi chia tay người ta…
Đọc những lời lẽ ấy bất giác tớ thương Bông quá. Cô bé ấy đã từng hạnh phúc bên cậu, đã từng là chủ đề chính trong Facebook của cậu. Và chính Bông đã từng làm tớ thấy ghen tị mỗi khi ghé thăm căn nhà ảo của cậu.
Thế đấy, giờ đây cậu lại khiến một con tim nữa thổn thức, lại khiến một cô bé nữa rơi nước mắt… Đến bao giờ cậu mới thật sự hạnh phúc như cậu nói, đến bao giờ cậu mới thôi chia tay?
An Sha

Yêu thương từ một nơi rất xa

…Chiều nay gửi tới quê xưa
Biết là bao thương nhớ cho vừa
Trời cao chìm rơi xuống đời
Biết là bao sầu trên xứ người…
(Thuyền viễn xứ – ý thơ Huyền Chi, nhạc Phạm Duy)
Thường thường, người ta đi xa bao nhiêu lâu thì mới cảm thấy nhớ nhà?
homesick Yêu thương từ một nơi rất xa
Tôi đã không ít lần tự hỏi mình điều đó, mặc dù cũng như bạn, tôi biết rằng câu trả lời đơn giản là “tùy cảnh tùy người”.
Nhưng tôi vẫn luôn hỏi mình câu đó, khi này khi khác… khi tôi sắp đi đâu xa, hay khi có ai đó sắp đi đâu xa. Tôi biết một người vừa bước chân khỏi nhà đã nhận ra nỗi nhớ.
Tôi cũng biết một người khác, mê mải dặm trường hai mươi năm, đến một chiều kia nhìn thấy trái xoài rụng ở Hawaii mới thực sự nhận ra nỗi nhớ nhà. Mà phải là trái xoài xanh rụng, chứ hai mươi năm ăn xoài ngon xứ lạ mà có thấy nhung nhớ gì đâu…
“Bao nhiêu lâu người ta mới cảm thấy nhớ nhà?” Thật ra, câu hỏi đó còn có một ý nghĩa khẳng định khác. Rằng, trước hay sau, bất cứ ai rồi cũng sẽ cảm thấy nhớ nhà.
Tôi biết nhiều bạn trẻ, rời xóm thôn ra thành phố học đại học, rồi ở lại lập nghiệp. Cuộc sống nhộn nhịp, và đầy niềm vui, thậm chí tràn trề hạnh phúc. Nhưng điều đó không ngăn được họ nhớ nhà.
Chỉ có điều… khi về lại nơi mình hằng tưởng nhớ, họ nhận ra tất cả đã đổi thay rồi. Những con đường cũ. Mái hiên xưa. Cả những người thân yêu. Và chính họ… Đôi khi sự thay đổi mạnh mẽ đến nỗi không thể nào chấp nhận, và họ nhận ra mình không thể sống ở chốn xưa được nữa.
Điều kỳ lạ là khi trở lại với thành phố, họ vẫn nhớ nhà. Chúng ta đó. Người trẻ, người già. Chúng ta đều vậy cả.
Đôi khi, chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến con người. Nhưng không phải thế. Chúng ta tưởng nỗi nhớ nhà liên quan đến món ăn hay cảnh vật. Nhưng không phải thế. Không phải là những gì hiện hữu, không phải những gì có thể gọi tên. “Nhà” ở đây là một khái niệm khó định nghĩa. Đi càng xa thì khái niệm “nhà” càng rộng. Và nỗi nhớ càng mênh mông.
Thư của K., bạn tôi viết rằng “K. qua bên này nhưng dường như không thấy mình lớn lên nữa. Lúc nào cũng nghĩ về VN, về tuổi thơ của mình. Và thời gian hình như đã dừng lại từ ngày rời VN rồi”
K. nhắc không thôi những kỷ niệm ấu thơ, những cây me ở góc đường, ngôi nhà cũ, bạn xưa. Chỉ tôi biết, chẳng còn gì ở đó, trong không gian thực. Trong khi ở nơi xa kia, K. lấy vợ, sinh con, hàng ngày lái xe đi làm để nuôi dưỡng một gia đình nho nhỏ. Vậy mà thấy như thời gian đã dừng lại lâu rồi.
Bao nhiêu người trở về chốn cũ, nhìn góc phố xưa giờ lạ lẫm, nhìn người xưa như ai đó chưa từng gặp bao giờ… Để cảm thấy tiếc tủi. Nhưng rồi sau đó, khi ra đi lại tiếp tục nhớ thương, không phải những gì vừa gặp lại mà là những gì giờ đã không còn nữa.
Và như thế, tôi nhận ra rằng dường như chúng ta luôn nhớ nhà như nhớ một ảo ảnh hạnh phúc mà chúng ta ngỡ rằng mình đã bỏ quên. Nhưng không, chúng ta không bỏ quên. Mọi thứ chỉ đơn giản là biến mất. Vạn vật đổi thay. Bất khả vãn hồi.
“Còn hạnh phúc nào hơn là được quay về nhà? Và còn gì đáng buồn hơn là khi quay về nhà, và nhận ra mình không phải là một phần của nó?” Câu này tôi nghe được trong một bộ phim nào đó lâu rồi…
Edgar Watson Howe cũng nói “Cảm giác tệ nhất trên thế gian chính là nỗi nhớ nhà đến thường xuyên với một người, khi anh ta đang ở nhà”.
Cảm giác ấy, tôi cũng từng trải qua. Ở Sài Gòn, và tôi vẫn không nguôi thương nhớ Sài Gòn. Như một nỗi nhớ nhà. Nhớ nhà là một căn bệnh nan y. Giống như chứng nhức xương, nó dậy lên mỗi khi trời trở gió…
Điều đáng nói là, chúng ta nên giữ nỗi nhớ nhà như một ngụm nước mát trong chiếc bình ký ức, để dành khi khát trên chặng đường xa. Thay vì, đắm chìm vào nó như một kẻ nát rượu. Nỗi nhớ, ký ức, đôi khi giống như một cái bẫy, nó đánh đắm chúng ta trong quá khứ dù ngọt ngào hay đắng cay.
Cô người mẫu da đen Tyra Banks, sinh ở California sau đó chuyển đến Paris từng tâm sự “Paris là một trong những nơi đẹp nhất trên thế giới. Chẳng may, tôi quá nhớ nhà nên không thể thưởng thức được vẻ đẹp của nó”
Khi đọc được câu này lần đầu tiên, tôi đã mỉm cười. Thật là một cách thông minh để ca ngợi quê hương mình. Nhưng lần thứ hai đọc nó, tôi nhận ra một ý nghĩa khác: đừng để nỗi hoài nhớ của riêng mình ngăn cản ta tìm hiểu thế giới và tận hưởng hiện tại. Đừng để nó ngăn cản mình lớn lên.
Tôi biết rằng, một khi ta đã cảm thấy nhớ nhà. Lòng ta sẽ khác. Chắc chắn như vậy, lòng ta sẽ khác. Khi chúng ta nhận ra mình nhớ là khi ta nhận ra mình đang yêu. Yêu thương một người, một gia đình, một xóm thôn, một thành phố hay một đất nước…
Đó chính là lý do mỗi chúng ta đều cần trải qua cảm giác nhớ nhà. Và để có cảm giác đó chúng ta phải ra đi. Bạn có thể dễ dàng trở về, cũng có thể khó quay trở lại.
Bạn có thể tìm lại những cảm xúc cũ xưa sau rất nhiều năm tháng, cũng có thể không. Khả năng thứ hai thường xảy ra hơn. Nhưng hãy bình tâm, bởi Helen Keller nói đúng, rằng “Những điều tốt nhất và đẹp nhất trong thế gian này thì không thể nhìn thấy hay là chạm đến được – chúng phải được cảm nhận bằng trái tim.”
Nếu như bạn nhớ nhà, hãy nhận ra rằng đó chính là yêu thương, và hãy để nó là yêu thương, chứ không phải luyến tiếc, tủi hờn hay oán giận. Bạn biết chăng, nỗi nhớ nhà sẽ khiến bạn nhận ra rằng chúng ta luôn có thể yêu thương từ một nơi rất xa. Và tình yêu thương, cho dù là yêu thương một ảo ảnh của hạnh phúc, thì vẫn luôn là một khởi đầu đẹp đẽ…
Một ngày nào đó, bạn sẽ đi xa. Và tôi mong rằng tất cả những người trẻ đều sẽ có dịp đi xa. Lên thành phố học đại học. Lập nghiệp ở tỉnh khác. Ra nước ngoài du học, định cư. Hay thường xuyên nhất, đi du lịch.
Khi ấy, thêm một lần nữa, hãy trả lời giùm tôi câu hỏi: “Mất bao lâu để bạn cảm thấy nhớ nhà?”
Phạm Lữ Ân

Tàu vũ trụ bay ngang ô cửa sổ

Có bao giờ, bạn, giữa một ngày quần quật làm việc, vô tình đi ngang qua ô cửa kính. Rồi bạn chợt phát hiện ra rằng bên ngoài đang mưa. Nên bạn dừng lại, thần người ra nhìn mưa rớt bên ngoài, nhìn dòng người tấp nập trôi đi. Và đột nhiên trong giây phút đó bạn không thể nhớ ra mình đang ở đâu, đang làm gì và sẽ phải làm gì. Lúc ấy, tất cả những ý niệm về cuộc đời của bạn chỉ còn là ngày mưa đang rơi trước mặt.
looking out of the window Tàu vũ trụ bay ngang ô cửa sổ
Cũng chẳng có gì nhiều để nói về giây phút ấy. Bạn trở lại là bạn, theo cái nghĩa cơ bản nhất của từ này. Bạn của những chiều mưa không phải tất tả giấy tờ, hội họp, quan hệ… Bạn của những chiều mưa chỉ đứng lại nhìn mưa, và không nghĩ thêm gì cả. Nó như một cuộc biến chuyển kinh hoàng của đời người chỉ xảy ra trong vòng vài giây đồng hồ. Là bạn tất bật của mỗi ngày -> bạn của khoảnh khắc nhìn mưa -> bạn tất bật của mỗi ngày. Vài giây ấy chứa đựng nguyên vẹn sự mất mát, biến đổi của bản thân qua ngày tháng, sự kiện, mà chỉ chính bạn mới hiểu.
Damien Rice có bài Amie có đoạn viết kỳ lạ thế này “I saw a spaceship fly by your window. Did you see it disappear?” (Anh đã thấy một con tàu vũ trụ bay ngang cửa sổ, em có nhìn thấy nó biến mất không?). Và có lẽ, bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu câu hát này, nếu không một lần dừng lại nhìn mưa bên cửa sổ văn phòng. Bạn đã thấy một chiếc tàu vũ trụ chứa bao niềm mơ ước bay qua ngày mưa của đời mình. Rồi nó biến mất trước mắt bạn không vết dấu. Chỉ còn lại bạn, và chiều mưa. Bạn có thể có người để chia sẻ một chiều mưa, nhưng có lẽ chỉ chính bạn mới biết ảm giác đứng nhìn qua ô cửa không còn thấy vết dấu con tàu đã từng qua nó buồn thảm dường nào , cũng như chỉ chính bạn mới biết tất cả những mất mát trong đời mình. Không một ai, ngoài bạn. Vì chỉ bạn nhìn thấy con tàu ấy. Nếu đã không từng có một chiếc tàu mơ bay qua cửa sổ, thì chiều mưa giờ đã chẳng buồn ghê rợn vậy.
Mà đời thì thiếu gì những chiều mưa khắc khoải…
Nguyễn Thiên Ngân

Cao hơn cả thiên đường

Nhiều lần, tôi vẫn thường hay hỏi mợ: “Cao hơn thiên đường là gì hả mợ?” Mợ thường nói rồi một lúc nào đó, con sẽ biết.
stairway to heaven Cao hơn cả thiên đường
Tôi chẳng rõ đó có phải là đáp án mà người lớn luôn dành cho lũ trẻ khi họ không biết chính xác phải trả lời thế nào cho đúng hay không. Nhưng tôi vẫn tin là mợ biết. Có điều mợ không bao giờ nói ra. Mợ muốn tôi tìm hiểu và tự khám phá ra những câu hỏi của mình, bằng cách này hoặc cách khác, như tìm đọc ở sách. Khi không thể nào tìm ra được, mợ mới nói tôi nghe. Và những đáp án của mợ bao giờ cũng làm tôi suy nghĩ rất lâu.
Ví như có lần tôi hỏi về cha mẹ tôi ở đâu, sao tôi không có. Mợ đăm chiêu rồi đáp: “Trong cuộc đời mỗi người, họ thường đánh rơi cái này cái kia, như có lúc con làm rơi mấy cây bút, thước kẻ vậy. Và cha mẹ con đã lỡ làm rơi con – niềm hạnh phúc lớn lao mà chắc chắn họ rất đang phiền muộn và tìm kiếm!”. Tôi đã suy nghĩ nhiều về câu trả lời đó của mợ. Nhưng một đứa con nít thì không thể suy nghĩ gì quá sâu xa cho được. Tôi dần lãng quên và chấp nhận một ngày nào đó cha mẹ sẽ tìm ra tôi, vì tôi là niềm hạnh phúc, mà con người thì ai cũng cần có hạnh phúc cả. Sau này lớn lên tôi hiểu mất một thứ, tìm lại không phải bao giờ cũng thấy. Và không phải ai cũng muốn tìm vì họ cố tình đánh rơi…
Tôi không biết tên mợ. Ai cũng gọi mợ là mợ nên tôi gọi theo.Theo người Bắc cũng có nghĩa là mẹ, nhưng với tôi, tiếng “mợ” là một tiếng gọi rất đặc biệt, thân thương, giống như mẹ và cũng giống như bà. Mợ khoảng 60 tuổi. Mợ nói khi nào mợ mất đi, mợ mong mình đừng làm người, đừng làm tiên phật, chỉ mong được làm hư vô. Chết là hết, thế thôi. Tôi tự hỏi đó phải chăng là nơi cao-hơn-thiên-đường mà mợ từng nói đến?
Mợ kể rằng mợ cũng có chồng và có con từ năm mới 19 tuổi. Chồng mợ là một người đàn ông bất hạnh, ông thất nghiệp, say xỉn, thường hay đánh đập mợ. Rồi mợ chịu không nổi, đem gửi con nhỏ làm con nuôi của một gia đình khác. Nhớ con, ngày nào mợ cũng khóc thành ra mù lòa. Sau đó chồng mợ chết, mợ sống một mình bằng sự giúp đỡ của xóm giềng, hoàn toàn không có một người thân. Nhiều lần mợ muốn đi tìm lại con nhưng phần vì mù lòa, phần vì gia đình họ đã chuyển địa chỉ nên mợ không cách nào liên lạc, vẫn mong mỏi một ngày gặp lại con mình.
Mợ nuôi tôi bằng cái tủ bán mấy thứ đồ lặt vặt và từ số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho chồng mợ. Dù nghèo nhưng tôi chưa bao giờ phải nghỉ học một buổi nào. Tôi luôn cố gắng học thật tốt để lấy học bổng của trường.
oOo
Tôi tin rằng những người mù luôn thấy và biết được những điều mà một người bình thường không bao giờ thấy. Chính vì vậy đối với tôi, mợ vẫn luôn là một người phụ nữ thông thái và chứa đầy bí mật.
Tôi không rõ người mù có thường hay mơ không và tự hỏi giấc mơ của họ sẽ như thế nào. Có phải chỉ toàn là một màu đen. Nhưng chưa một lần tôi dám hỏi một người mù nào, đặc biệt là mợ. Tôi sợ rằng mình sẽ làm tổn thương một ai đó. Dù vô tình hay cố ý, gây tổn thương cho một người cũng là một việc làm hết sức tồi tệ, mà tôi thì chẳng muốn thế bao giờ.
Dù vậy với bản thân tôi, từ lúc tôi còn là một con bé thò lò nước mũi đến bây giờ, lắm lần tôi bị người khác làm tổn thương. Khi nhỏ, tôi bị bọn trẻ trong xóm kêu mày là thứ con hoang, không ai nhận mày nên bà mù mới nhận mày về nuôi. Tôi đã khóc và chạy đi hỏi mợ rằng tôi có phải là con hoang. Mợ vẫn ôn tồn: “Con là một niềm hạnh phúc và mợ đã đem niềm hạnh phúc đó về!”. Tôi dần tập thói quen không quan tâm nhiều đến lời nói của thiên hạ. Càng lớn, tôi càng giải đáp được nhiều thắc mắc được đúc kết từ chính bản thân mình. Và tôi cảm giác rằng tự mình tìm ra đáp án luôn thú vị hơn khi ai đó chỉ cho mình. Tôi biết được nhiều thứ mình từng tự hỏi, nhưng chỉ riêng câu hỏi thuở bé về nơi cao hơn cả thiên đường vẫn không sao giải đáp được.
Kỷ niệm giữa mợ và tôi không nhiều, nhưng kỷ niệm nào cũng làm tôi không bao giờ quên được. Đó là lần cô giáo ra đề văn miêu tả một cảnh đẹp mà em từng đi đến. Tôi từ nhỏ đã gắn liền với mảnh đất này, chẳng được đi đâu khác, định miêu tả về nó thì hỏi ra đã có mấy đứa trùng ý tưởng. Tôi muốn miêu tả về biển, cái mà tôi đã từng nghe tụi thằng Hoàng, thằng Hùng nói đến hoài sau mỗi mùa hè.
Tôi chưa từng tới biển, chưa từng lên núi. Tôi không hỏi mợ vì tôi biết mợ cũng như tôi. Tôi đi ra nhà sách cũ tìm mua mấy quyển sách, chạy qua nhà hàng xóm hỏi cô ta về biển, cô ta gật gù diễn tả cho tôi: “Tao thấy rồi, trên tivi, biển lớn hơn sông Cái này vạn lần, màu xanh, cát trắng mịn, không phải sình lầy như sông, có sóng vỗ ngày đêm, cá tôm trù phú, có tàu to hơn cả ngôi nhà của ông M. giàu nhất vùng….”. Thế rồi tôi nảy ra ý định miêu tả con sông Cái, chỉ đổi thành màu xanh và cho rộng lên gấp ngàn lần. Tôi tường thuật chuyến đi biển với mợ bằng trí tưởng tượng của mình. Và tôi mộng mơ một ngày nào đó, tôi sẽ được đi ngắm biển một lần, cùng mợ.
Bài văn của tôi cô cho 8 điểm. Cô đọc lên trước lớp. Tụi bạn xầm xì, kiểu ghen tị trẻ con: “Nó xạo đó, nó chưa từng đi tới biển bao giờ!”. “Mợ nó bị mù, sao mà dắt nó đi!”. Tôi được điểm cao mà chẳng vui. Về nhà tôi òa khóc, đổ lỗi cho Mợ, rất vô cớ.
- Nếu mợ không mù, tụi nó đã không nói con như thế! Mợ bảo con là hạnh phúc đánh rơi, nhưng tụi bạn bảo con là thứ sao chổi xui xẻo, con bị bỏ đi chứ không phải đánh rơi gì hết. Và cũng chẳng có nơi nào là thiên đường, càng không có nơi gọi là cao hơn cả thiên đường. Con không tin những gì mợ nói nữa!
- Con không tin lời mợ sao?
- Không! Mợ không thấy đường mà biết gì?
Nói ra câu nói ấy rồi tôi thấy vô cùng ân hận. Tôi biết mình đã phạm một lỗi lầm vô cùng nghiêm trọng là làm tổn thương đến người mình thương yêu và yêu thương mình. Tôi thấy mợ im lặng, ngẩn ngơ. Tôi ước gì mình có thể rút lại lời nói của mình.
- Ừ, mợ mù!
Tôi thấy lòng mình đau nhói. Tôi bật khóc. Chạy đến ôm mợ.
- Mợ ơi, con thương mợ lắm, con sai rồi, mợ à!
Lần đó, mợ khóc cùng tôi.
- Con ngốc quá, khóc gì mà khóc…
oOo
Đó là một ngày gió lạnh nhiều hơn bình thường, tôi đang ngồi nấu thuốc trị nhức lưng cho mợ ở phía sau nhà, mợ gọi tôi ra gặp hai vợ chồng già. Họ có người bà con ở quê tôi, nghe nói đến hoàn cảnh của mợ nên có ý định nhận tôi làm con nuôi, hứa sẽ cho tôi ăn học đàng hoàng ở Sài Gòn. Nếu được ít ngày nữa họ sẽ lại đến và đón tôi đi ngay. Tôi vừa thích vừa buồn. Tôi nghe nhiều về Sài Gòn nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải xa mợ. Mợ sẽ sống thế nào nếu tôi không còn ở đây với mợ.
Tối đó, tôi nằm bên cạnh mợ và xoa bóp từng thớ thịt nhăn nheo, mềm rũn của mợ. Tôi nói với mợ: “Con sẽ không đi đâu hết nếu không có mợ!”. Mợ bảo: “Con phải đi, con hạnh phúc thì mợ cũng hạnh phúc. Mợ già rồi, còn sống được bao lâu, mợ tin con mợ sẽ về đón mợ đi nay mai! Nên mợ phải ở đây đợi con mình!”.
Mợ im lặng lúc lâu rồi nói: “Con nè, con đã biết được cao hơn cả thiên đường là đâu chưa?”. “Dạ chưa!”. “Thiên đường là nơi mà người ta quan niệm khi chết đi, những người thiện sẽ được đến, là nơi không có buồn đau, nước mắt. Nhưng không có nỗi buồn con sẽ không bao giờ hiểu được niềm vui, khi đã đến thiên đường, con sẽ lại nhìn xuống thấy bao người cơ cực mà chẳng thế làm được gì cho họ vì lúc ấy mình chỉ còn là linh hồn! Cao hơn thiên đường, là thực tại, khi con hạnh phúc và làm cho người khác hạnh phúc”.
Lúc ấy, tôi không hiểu lắm và cũng không mấy chấp nhận lý giải của mợ về nơi cao hơn thiên đường đó lại chính là thực tại.
Hôm sau, lúc tôi đi học về, mợ nói với tôi: “Con của mợ hôm nay đã đến đây, tìm lại mợ con à!”. Tôi mừng rỡ: “Thật sao mợ? Trời ơi, chị ấy đang ở đâu?”. “Nó về thu xếp công việc rồi, sẽ đón mợ ít ngày nữa…”. Tôi thấy mợ cười thật tươi. Ngần ấy năm sống với mợ, chưa bao giờ tôi thấy mợ cười tươi đến thế. Tôi đến ôm mợ. Cuộc đời mợ chờ đợi chỉ có thế. “Con giờ đã lớn khôn và có người tốt nhận nuôi, mợ an tâm phần nào!”. Những buổi tối hôm đó, tôi và mợ thường ngủ rất ít, tôi luôn cố gắng nói chuyện và dành thời gian bên mợ nhiều hơn.
Ba hôm sau, khi tôi đi chợ về thì không thấy mợ đâu, tôi hỏi người láng giềng: “Cô ơi, có thấy mợ đâu không?”. Người đàn bà bảo: “Mợ mày đi rồi, con của bà về đón bà ấy đi! Khổ một đời, chỉ mong được có thế! Vì vội quá, bà không kịp ở lại chào, nhưng bà ấy có nói sẽ tìm đến địa chỉ của mày ở Sài Gòn cùng con gái của bà!”.
Tôi nghe xong cứ nghĩ bà ấy nói đùa, chạy vào nhà tìm mợ nhưng không thấy. Tủ quần áo cũng không còn. Mợ đi thật. Tôi vừa buồn, vừa mừng cho mợ. Mặc dù trong lòng nhiều hẫng hụt vì mợ ra đi mà không gặp tôi lần cuối. Tôi không trách mợ, vì mợ đã nuôi dưỡng tôi ngần ấy năm. Vừa lúc đó thì cặp vợ chồng già ấy lại đến, hỏi ý tôi quyết định thế nào, tôi ngần ngừ đồng ý, vào thu dọn nhanh hành lý để đi. Mọi chuyện chóng vánh diễn ra khiến tôi cứ ngơ ngẩn…
oOo
Tôi lên Sài Gòn sống. Khoảng thời gian ấy tôi được ăn no mặc ấm, được dẫn đi biển, đi núi, nhưng không có mợ theo cùng. Tôi lao đầu vào học hành để không là một đứa tỉnh lẻ quê mùa dốt nát, tránh đi những ánh mắt dòm ngó khinh khi của một số bạn bè. Tất cả cuốn tôi đi làm tôi không còn thời gian để nghĩ ngợi nhiều đến những kỷ niệm cũ. Thi thoảng, rất mông lung, tôi nhớ về mợ và tin tưởng rằng mợ giờ này cũng đang hạnh phúc giống tôi. Và tôi chờ đợi mợ sẽ đến thăm tôi, như mợ từng chờ đợi con của mình quay về.
Một ngày cuối tuần, đột nhiên tôi lại nhớ da diết căn nhà cũ nơi tôi từng sống bao nhiêu năm, tôi xin phép cha mẹ nuôi về thăm quê. Tôi tự hỏi căn nhà không người ở bao năm giờ đã như thế nào. Và mợ có hay về thăm lại căn nhà hay không?
Khi tôi vừa đặt chân đến khoảng sân nhỏ, gặp người hàng xóm vừa từ trong nhà mợ bước ra. Gặp tôi, bà mừng mừng tủi tủi, rưng rưng cầm tay tôi mà nói: “Tao xin lỗi mày… Ngày đó, mợ mày chẳng ai đón, bà bắt tao làm thế để mày chịu đi. Con bà ấy chết lâu rồi, chẳng ai đón bà ấy cả. Bà ấy bị ung thư thời kỳ cuối, chết chỉ sau lúc mày đi một tháng… Ngôi nhà tao vẫn giữ để thờ cúng!”.
Tôi thảng thốt bước vào trong nhà. Trên bàn thờ, ảnh mợ thời con gái cười thật tươi. Bức ảnh duy nhất mà mợ còn giữ lại. Nước mắt tôi ứa ra, cắn chặt răng mà ngực nhói đau như chưa từng bao giờ đau hơn thế. Tôi đã vô ý rời bỏ hạnh phúc của mình, cũng giống như ngày xưa cha mẹ từng rời bỏ hạnh phúc là tôi. Và tôi hiểu chắc chắn giờ này mợ đang ở nơi cao hơn cả thiên đường..

Lấy chồng, ở giá, single mom và đi du học

Tôi không có dịp chào chia tay một chị bạn khi chị quyết định đi du học vài năm ở Mỹ. Nhưng không sao, chúng tôi chat với nhau thường xuyên hơn cả những bữa càphê. Vẫn lại là những câu chuyện tình yêu và một người đàn ông nào đó.
Phụ nữ – nếu được lựa chọn, luôn là tình yêu trên sự nghiệp, luôn là người ta trên bản thân mình. Khi tôi trò chuyện với anh bạn trai mới nhất của mình trong một buổi tối nhập nhoạng, anh nói: Vẫn là em mà, anh vẫn chỉ nghĩ đến em thôi, làm gì còn ai khác nữa? Tôi chỉ cười: Không phải! Anh nghĩ đến anh trước tiên! Lúc này anh trố mắt: À, em cần em và bản thân anh ngang nhau? Câu chuyện trước buổi tiệc đêm của chúng tôi kết thúc ở những dấu chấm mà tôi chọn không nói tiếp… Vì phụ nữ luôn khác đàn ông!
girl 1024x681 Lấy chồng, ở giá, single mom và đi du học
Tôi nghĩ về sự lựa chọn những ngả rẽ cuộc đời. Tất cả mọi người đều mong chúng tôi lấy chồng. Vâng, tất cả! Gia đình, mẹ, dì, bà, hàng xóm. Cả xã hội. Bản thân chúng tôi cũng rất mong mình lấy được chồng. Có một hoặc nhiều đứa con xinh xắn, giống hoặc không giống mình, để thay tã, thức khuya, mệt nhoài và than thở. Trong người chúng tôi còn có một cái đồng hồ cứ kêu tích tắc, không thể tắt đi được. Đến 22 tuổi nó kêu nho nhỏ, rồi cứ càng ngày càng to hơn. Đến ngưỡng 27, 28 gần 30 thì reng ầm ĩ. Qua 30 thì khỏi nói. Không sao tắt đi được. Điều này giải thích cho một vài chị bạn trong nhóm của tôi, đầu năm tuyên bố quyết tâm lấy chồng, thì y như rằng cuối năm có đám cưới. Khi bạn chỉ nghe thấy tiếng đồng hồ reng, thì đành phải phớt lờ đi những bản nhạc lãng mạn. Khi lấy chồng là mục tiêu thì chân dung đàn ông trở thành thứ yếu. Những người phụ nữ thông minh không chọn người đàn ông có đủ các gạch đầu dòng mình đặt ra thời thiếu nữ, mà sẽ gật đầu cái rụp khi gặp người chỉ cần sở hữu một trong những gạch đầu dòng là đủ.
Phần còn lại, là những phụ nữ quyết định không lấy chồng. Cũng không hẳn là quyết định, nhưng năm tháng cứ qua đi. Cũng lần lữa, định tặc lưỡi, rồi năm tháng cứ qua đi. Như một anh bạn của tôi người Mỹ sống ở Chiang Mai cả mười năm nay. “Dễ sống quá, năm tháng cứ qua đi…”
“Chị không muốn có con à?” Tôi hỏi một chị bạn độc thân năm nay vừa tròn 40 tuổi của mình. “Không, con cháu trong nhà nhiều quá rồi, phát mệt”. Nếu phụ nữ không có một mục đích cụ thể, thì chỉ cần sống hạnh phúc đã là quá đủ. Tôi tự hỏi mình về tương lai. Liệu tôi có thể “ở giá” hay không? Vài năm trước thì thấy viễn cảnh này quá buồn và cô đơn, đến mức không chịu nổi. Nhưng giờ thì lại thấy bình thường. Nếu tôi cứ có cả đống việc để làm, cứ đợi đến cuối tuần để tiệc tùng, có nhiều sách hay để đọc mê mải, cứ ba tháng đi du lịch một lần, đến rạp xem phim mỗi tuần – như bộ phim mới In Time chẳng hạn – rất gợi cảm hứng, thì tôi nghĩ, năm tháng sẽ qua đi. Tại sao phải cần một người đàn ông khi bản thân mình đã làm cho mình hạnh phúc?
Nhưng nếu câu trả lời của chị bạn tôi ở trên là có, thì chúng ta sẽ có những người mẹ độc thân vui tính. Một trong những người ấy hay ở cạnh mỗi lần tôi có vẻ chao đảo vì tình yêu. Có lần chị nói vui: Có muốn bớt khổ vì đàn ông không? Có ngay một thằng như thằng Tôm nhà chị, chả còn thời gian nghĩ ngợi gì nữa… Người đàn ông bé con thay vì trở thành gánh nặng, đã trở thành một niềm vui khi mà chị “nhảy cóc” được giai đoạn cưới chồng lận đận. Tôi chỉ hơi tiếc có những cô bạn mình còn quá trẻ, đau khổ sau vài chuyện tình yêu, đã vội vàng lựa chọn trở thành single mom bằng cách thụ tinh ống nghiệm. Lựa chọn này liệu có hơi ích kỷ cho đứa trẻ khi AND người cha bị xoá mất? Suy cho cùng, vẫn là những nguyên lý đơn giản dễ hiểu về hạnh phúc: Hạnh phúc không tự sinh ra hay mất đi, nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, từ người này sang người khác…
Ở thời chúng tôi, một ngả rẽ mới ra đời: đi du học. Không phải đi học để học. Đi học chỉ để có cớ đi, bắt đầu một lát cắt cuộc sống khác. Tôi thường nói vui: sang Tây chẳng thấy mình già, vì ai cũng già hơn mình mà vẫn chưa chồng, chưa vợ. Giống như “ăn trộm” được vài tuổi vậy. Những nơi như Berkeley, bang California, Mỹ, cây cối mọc thành rừng giữa thành phố, nắng luôn chói chang thanh bình trong khu vực trường đại học nổi tiếng này. Cả một cộng đồng trai thanh nữ tú, cả già cả trẻ, phần nhiều trên 30 tuổi, hoan hỉ ôm sách đi học mỗi ngày vì đó chính là cuộc sống của họ. Có những nơi như Đan Mạch, chỉ cần đi học bạn đã được tặng 500 euro mỗi tháng như đi làm ăn lương vậy.
Thế là, khi công việc đã đủ để dành dụm, tuổi đã đủ để chẳng còn sợ thứ gì, dù là tàu điện ngầm hay vài thứ tiếng Tây xì xồ, những chị bạn tôi quyết định xách vali đi du học vài năm để thay đổi cuộc sống, cộng với việc bớt phải nghe ca thán chuyện cả xã hội giục lấy chồng. Trong chiếc vali ấy – thường thì – có tâm trạng chưa trọn vẹn về một người đàn ông. Thế là đi du học đôi khi để quên, để nhớ, để nghiệm ra mình cần người ta, hoặc để đến gần hơn với trái tim của họ. Tóm lại, đi du học để… yêu! Thế nên phụ nữ 30 tuổi, đến những thành phố đẹp như mơ, bắt đầu dọn dẹp lại trái tim của mình. Như một chuyến phiêu lưu. Mà điều đặc biệt, là chẳng thấy ai trở về!
Nghĩ lại, tôi thấy trước mặt mình, quả là vẫn còn bốn ngã rẽ hạnh phúc để chọn lựa.
Thùy Minh

Cà Rốt và Củ Hành

Cầu thang xoáy ốc nằm bên hông nhà. Nó chỉ mới được làm cách đây sáu tháng, lúc bố và mẹ ly dị nhau. Khi thấy bố đứng chỉ huy các ông thợ xây cầu thang. Cà Rốt và Củ Hành đều thắc mắc: “Bố xây cầu thang ở ngoài làm gì nhỉ? Đã có một cái trong nhà rồi”.
children room 1024x681 Cà Rốt và Củ Hành
Mẹ đưa mắt nhìn hai đứa rồi cúi xuống, lặng thinh. Cà Rốt bảo Củ Hành: “Chắc là để phơi quần áo đấy mà”.
Củ Hành ngẫm nghĩ một lát rồi bảo: “Ừ, chắc vậy. Bên nhà Mi Mi cũng phơi quần áo ở cầu thang”.
Không thắc mắc nữa, hai đứa ngồi xuống, chơi trò xếp hình, thỉnh thoảng lại cười lên khanh khách.
Một tuần sau, khi cầu thang xây xong, đi học về, Cà Rốt và Củ Hành ngạc nhiên thấy trong nhà mọc thêm một cánh cửa. Cánh cửa này bịt kín lối đi lên lầu. Mẹ giải thích với Cà Rốt: “Kể từ hôm nay, con sẽ ở dưới này với mẹ”. Bố cũng giải thích với Củ Hành: “Con lên lầu sống với bố”.
Thế là Cà Rốt và Củ Hành hiểu rằng, ly dị nghĩa là không sống chung một nhà nữa, phải chia ra làm hai nơi. Con cái cũng chia làm đôi, mỗi người một đứa. Cà Rốt giãy lên khóc: “Bố mẹ ly dị thì ly dị. Con với Củ Hành không ly dị đâu”.
Củ Hành cũng khóc ti tỉ: “Con muốn ở chung với Cà Rốt. Con không lên lầu”.
Bố, một tay xách va ly, một tay xốc Củ Hành: “Thôi, đừng có rối rít nữa. Lên nhà ngay”.
Me, hai mắt ầng ậng nước, đứng sững nhìn Cà Rốt lôi chân bố. Cà Rốt hét: “Để Củ Hành lại. Con ghét bố. Con ghét bố”. Trên tay bố, Củ Hành giãy giụa: “Thả con xuống. Thả con xuống. Con không đi với bố đâu”.
Nhưng bố đã ra đến cửa rồi. Cà Rốt khóc òa. Trong nhà, mẹ ngồi thụp xuống đất, úp mặt vào hai đầu gối. Sao lại bắt trẻ con phải chịu cảnh này, trời ơi!
Buổi sáng, mẹ luôn chở Cà Rốt đến trường sớm. Mãi một lúc sau mới thấy Củ Hành lếch thếch chạy vào. Cà Rốt hỏi: “Hôm nào cũng đi muộn thế?”. Củ Hành chu chu cái miệng, hít mũi đánh sột: “Bố ngủ quên. Em phải đánh thức đấy”. Cà Rốt lại hỏi: “Thế bố có pha sữa cho Củ Hành uống trước khi đi học không?”. Củ Hành lắc đầu: “Em tự pha. Dễ lắm. Đổ sữa vào cốc, thêm nước vào, khuấy lên. Nhưng mà nó nhạt phèo, chả ngọt như mẹ pha lúc trước”.
Cà Rốt xịu mặt: “Chứ bố làm gì mà không pha cho Củ Hành?”. Củ Hành nghiêng nghiêng đầu, ra vẻ suy nghĩ: “À, bố cứ nằm mãi ở giường, gác tay lên trán. Có khi bố bận đánh răng”. Cà Rốt bảo: “Bố thế là hư rồi”.
Hai chị em nắm tay nhau đi vào lớp học. Lớp Chồi của Củ Hành ở ngay cạnh lớp Lá của Cà Rốt. Thỉnh thoảng, hai đứa lại vờ vĩnh chạy ra cửa để ngó nghiêng vào lớp đứa kia. Gặp nhau ở trường sướng thật. Cà Rốt và Củ Hành chán nhất khi phải về nhà. Lúc đó, mỗi đứa lại phải ở một nơi.
Giờ ra chơi, Cà Rốt và Củ Hành không thích nô đùa cùng các bạn. Hai đứa cùng ngồi trên ghế xích đu, vừa ăn bánh sữa, vừa trò chuyện. Củ Hành kể: “Hôm qua bố ngồi vá quần cho em, bị kim chọc vào tay, kêu ui da, buồn cười lắm”.
Cà Rốt cũng khúc khích: “Còn mẹ sửa cái bếp điện mãi mà không xong, hễ cắm dây vào là nổ cầu chì. Sau phải nhờ chú Ngân sửa mới xong đấy”.
Củ Hành xịu mặt: “Sao mẹ không gọi bố mà lại nhờ chú Ngân?”, Cà Rốt dí ngón tay xinh xinh vào trán Củ Hành: ”Ngốc thế. Ly dị rồi là không có nhờ vả chuyện gì cả”. Củ Hành hỏi: “Mẹ bảo thế à?”. Cà Rốt gật đầu: “Ừ”. Củ Hành cáu: “Chán mẹ lắm. Tự nhiên lại ly dị”. Cà Rốt gật đầu ra vẻ đồng tình, mặt buồn thiu …
Một hôm … Khi mẹ đến đón Cà Rốt, chiều đã muộn lắm rồi. Thế mà bố vẫn chưa đến đón Củ Hành. Cô giáo đưa mắt nhìn hai đứa trẻ vui vẻ chơi lò cò trên sân rồi băn khoăn nói với mẹ: “Hôm nay ở nhà em có việc. Không biết chừng nào anh mới đến đón cháu?”.
Mẹ bảo: “Thôi, để tôi đưa cháu về luôn”. Củ Hành tròn mắt: “Mẹ cho con về chung với Cà Rốt hả?”. Mẹ gật đầu. Hai đứa nhảy tưng tưng vì mừng.
***
Trên xe, Cà Rốt và Củ Hành nói cười luôn miệng. Vào nhà, Củ Hành lăng xăng chạy tới, chạy lui. Tất cả đều quen thuộc. Thích quá.
Cà Rốt đột nhiên người lớn hẳn. Con bé nhìn em một cách bao dung: “Chạy vừa thôi. Đi tắm rồi còn ăn cơm chứ”.
Củ Hành vẫn chạy lui, chạy tới” “Em thích chạy”. Hai tay cu cậu dang rộng như lái máy bay, quẹt cả vào người Cà Rốt: “Ôi, ôi, thích quá. Xê ra cho máy bay bay nào”.
Khi bố về, trời đã khuya lắm. Bố đứng lựng khựng trước cửa, khẽ hắng giọng rồi lại đứng im. Mẹ đẩy cánh cửa mở hé cho rộng thêm, bảo: “Anh vào đi”.
Bố rón rén bước vào. Nhà im phăng phắc. Hai đứa trẻ đang ngủ ngon trong giường. Mẹ bảo: “Anh để Củ Hành ngủ ở đây một đêm cũng được.
Đừng đánh thức nó nửa chừng”. Bố nói nhỏ: “Anh xin lỗi. Có việc đột xuất nên không thể đến đón nó đúng giờ”. Mẹ lạnh lùng: “Người anh cần xin lỗi là nó chứ không phải em”.
Bố đứng như chôn chân trước giường ngủ của hai đứa trẻ. Dưới ánh đèn mờ nhạt, hai gương mặt bầu bĩnh kề sát nhau thật ngây thơ, đáng yêu.
Củ Hành ngủ say, miệng chóp chép nhai trong giấc mơ, bàn tay vẫn nắm chặt tay Cà Rốt. Con chị nằm gác chân lên người em, hai mắt nhắm tịt, nhưng miệng lại tủm tỉm cười.
Hai vai bố như xệ hẳn xuống. Bố nói mà không nhìn mẹ: “Sao mình lại để mọi sự trở nên tồi tệ thế này hả em?”.
Hai người ngồi đối diện trong một quán cà phê. Trước mặt anh, chiếc gạt tàn đã đầy ắp tàn thuốc lá. Ly nước của chị cũng cạn đến đáy rồi.
Cuộc trò chuyện lâu hơn họ nghĩ.
Khi anh nói tên quán cà phê, chị đã rùng mình. Đó là nơi hai người từng hẹn hò nhau từ lúc mới yêu. Chiếc bàn trong góc cũng là bàn quen thuộc. Anh muốn nhắc nhở chị điều gì chứ, khi chính anh là kẻ có lỗi trăm bề?
Chị không thể tha thứ, mặc dù anh đã quỳ xuống chân chị xin lỗi rất nhiều lần.
Chị không thể chấp nhận hình ảnh anh ôm người phụ nữ khác trong tay, âu yếm họ như âu yếm chị. Niềm tin và tình yêu chị dành cho anh quá lớn, đến nỗi khi biết sự phản bội của anh, chị bất ngờ đến sửng sốt, tê dại cả người.
Quyết định ly hôn của chị làm mọi người ái ngại. Mẹ chị khuyên: “Đàn ông ai chẳng có lúc lạc lòng. Nó đã biết lỗi thì tha thứ đi con ạ. Như mẹ từng tha thứ bố mày ấy”.
Có lẽ trong tình yêu, khó có lời khuyên nào áp dụng thật chính xác cho từng trường hợp. Chị biết rõ mình không thể lướt quá mọi chuyện được như mẹ, xem như không có gì. Sống tiếp tục với anh, nằm bên anh mỗi ngày để chỉ nghĩ đến hình ảnh anh nằm với người khác ư? Chị chịu không nổi.
Khi chị nói thẳng điều đó, anh lặng người. Trông chị như một người khác hẳn, quyết liệt và lạnh lùng. Anh cố vớt vát bằng cách đem Cà Rốt và Củ Hành ra thuyết phục: “Em ơi, đừng để các con phải liên lụy. Em muốn trừng phạt anh thế nào cũng được, nhưng đừng ly dị , được không?”.
Chị tàn nhẫn nhìn anh: “Không ly dị, để sống giả dối như nhiều người khác sao? Em không muốn vậy. Khi các con lớn, chúng nó sẽ hiểu”.
Nước mắt ứa ra, anh khóc không kiềm chế trước mặt chị, nhưng chị vẫn dửng dưng. Lòng chị đã nguội lạnh hẳn kể từ khi biết anh phản bội. Kể từ giờ phút này, chị sẽ chỉ cư xử như một người không có trái tim.
Ra tòa, anh bảo: “Tôi có lỗi. Tòa cứ xử theo ý vợ tôi. Sao cũng được”. Chị lạnh lùng đề nghị: “Chia đôi mọi thứ. Anh ấy và con trai ở trên lầu. Tôi và con gái ở dưới nhà. Xây lối đi riêng, không ai làm phiền ai”.
Họ đã ly dị được hơn nửa năm. Cà Rốt và Củ Hành dần dà cũng quen cuộc sống chia đôi của bố mẹ. Bố thì dễ rồi. Nhà bố thường mở cửa rộng, Cà Rốt muốn lên lúc nào cũng được. Nhưng con bé không dám. Mẹ khe khắt lắm.
Một lần thấy Cà Rốt lên nhà với bố, mẹ giận dữ quát ầm lên. Cà Rốt phải lủi thủi đi về trước ánh mắt buồn rầu của bố. Từ đó, nhà mẹ luôn đóng cửa. Cà Rốt và Củ Hành chỉ còn gặp nhau lúc đi nhà trẻ.
Cũng may là mẹ không đổi trường. Chứ nếu mẹ đổi, hai chị em sẽ lâm vào hoàn cảnh “gần nhà xa ngõ” cho xem.
Thường lệ, bố đưa Củ Hành đi học muộn, nhưng luôn đó sớm nửa giờ. Bố xin cô giáo được gặp Cà Rốt. Ban đầu, cô giáo cũng lúng túng, khó xử vì như thế là sai quy định của trường. Nhưng nhìn ánh mắt van nài của bố, cô thấy tội.
Cô bảo: “Anh đừng gặp cháu lâu quá. Mười lăm phút được rồi”. Bố mừng rỡ, vâng dạ rối rít. Thế là hai bố con được gặp nhau trò chuyện mỗi ngày. Bố hay hỏi Cà Rốt: “Mẹ có khoẻ không? Tối mẹ có thức khuya không? Mẹ có hay khóc không?”. Rồi bố xoa nắn chân tay, ôm Cà Rốt vào lòng, hôn lên đôi má bầu bĩnh của con mà nước mắt ứa ra.
Bố dặn: “Đừng cho mẹ biết bố hay gặp con nhé”. Bố không dặn, Cà Rốt cũng giấu kín. Dại gì nói ra cho mẹ cấm nhỉ? Nó còn dặn ngược lại bố: “Bố nhớ đón Củ Hành trước khi mẹ đón con nhé. Để mẹ đừng thấy bố con mình gặp nhau”.
Bố lại chảy nước mắt. Chỉ mới nửa năm mà Cà Rốt đã “bà cụ non” như thế rồi sao? Bố hối hận quá.
Trưa hôm ấy, đột nhiên bố nhìn thấy mẹ ở ngã tư đường. Mẹ đang đứng mặc cả để mua trái cây, không nhìn thấy bố.
Gương mặt mẹ trắng trẻo, ửng hồng dưới nắng. Chiếc áo màu tím và bờ vai quen thuộc làm lòng bố nhói đau. Lập tức, bố chạy xe lên vỉa hè, tấp vào sau một gốc cây, âm thầm nhìn mẹ. Khi mẹ đi rồi, bố vẫn đứng lặng nhìn theo đốm màu tím nhỏ dần rồi khuất hẳn.
Tự nhiên, bố mệt mỏi đến cực độ. Móc trong túi chiếc điện thoại di động, bố gọi về cơ quan, cáo ốm để xin nghỉ buổi chiều. Từ ngã tư gặp mẹ, bố đi lòng vòng, lòng vòng mãi dưới nắng rồi tấp vào một quán bia quen. Từng chai, từng chai, bố uống cạn.
Người chủ quán đến kéo ghế ngồi chung: “Sầu đời hả bạn? Để tôi uống cùng”. Không hiểu sao bố lại uống nhiều như vậy? Và nói nhiều nữa. Bố nói hết những ẩn ức trong lòng. Rằng bố yêu mẹ lắm. Từ khi mẹ ly dị bố, bố càng yêu mẹ hơn.
Nhưng bố cũng oán mẹ nhiều bằng bố yêu mẹ. Rằng sao mẹ sắt thép, cứng lòng như thế? Rằng tội nhân phạm tội trọng, khi hối lỗi còn được ân xá, mà mẹ thì kiên quyết chặt đứt đường về của bố. Rằng bố nhớ Cà Rốt biết bao. Bố thèm ăn cơm của mẹ nấu biết bao. Tại sao mẹ có thể quên đi những ngày hạnh phúc của mẹ và bố?
Tại sao mẹ chỉ nhớ tội lỗi xấu xa của bố mà quên những kỷ niệm đẹp bố từng làm?…
Càng nói, bố càng uống. Người chủ quán bỏ đi lúc nào, bố cũng không biết. Đèn đường lên lúc nào, bố cũng không hay. Bố quên luôn giờ đó Củ Hành. Mà bố đón làm sao được khi đã gục trên bàn ngủ thiếp thế kia?
***
Hai người ngồi đối diện trong quán cà phê quen thuộc. Chỗ ngồi và chiếc bàn cũng quen thuộc.
Anh hút thuốc liên tục. Chiếc gạt tàn dần đầy lên. Mấy lần chị suýt bảo anh ngưng hút, nhưng lại bặm môi im lặng. Bây giờ, anh muốn làm gì cứ làm, chị chẳng quan tâm. Nhưng khi anh cất tiếng, sự căng thẳng của chị chùng dần. Rồi nước mắt chị rớt xuống.
Anh bảo: “Anh vẫn lén gặp Cà Rốt mỗi chiều ở trường. Anh nhớ con lắm. Nhớ mùi mồ hôi của nó. Nhớ những câu hỏi vặn vẹo khiến anh điên đầu trước kia. Anh cũng nhớ em. Mỗi đêm, anh đều nằm áp tai xuống gạch, lắng nghe tiếng động ở dưới nhà để tưởng tượng em đang làm gì? Cà Rốt đang làm gì?”.
“Có hôm, anh ra cầu thang xoáy, áp tai vào vạch như một thằng ăn trộm, thèm nghe một tiếng em cười mà không được. Một lần, anh đang ngồi như thế thì Củ Hành thức dậy. Nó mò ra cầu thang xoáy và thấy anh ở đấy. Hai bố con anh đã ôm nhau ngồi rất lâu để chỉ nói về em và Cà Rốt. Củ Hành bảo: “Con ghét ly dị. Con nhớ mẹ và Cà Rốt. Con muốn uống sữa mẹ pha. Bố ơi, đừng chơi trò ly dị nữa nhé”.
“Đây là trò chơi hả em? Anh cũng ước nó chỉ là trò chơi để mình chấm dứt, không chơi nữa. Trò chơi gì mà tàn nhẫn quá, làm khổ cả bốn người? Em muốn anh phải làm gì bây giờ để được em tha thứ? Sao em lại giao Củ Hành cho anh mà không giữ cả hai đứa với nhau? Phải chăng em muốn anh nhìn rõ tội lỗi của mình? Rằng vì anh mà con cái phải mỗi đứa mỗi nơi?”.
“Anh nhìn rõ lắm rồi, em ơi. Nhất là đêm hôm qua, khi anh đứng nhìn hai đứa con mình ngủ trong giường. Em cho anh gửi Củ Hành lại.
Ngày mai, anh thuê người tới đập cầu thang xoáy bên ngoài, mở lại lối cầu thang bên trong. Em không muốn thấy mặt anh nữa thì để anh đi, miễn em được thoải mái. Miễn Cà Rốt và Củ Hành được sống bên nhau”.
“Anh không đem theo một thứ gì cả, cũng không cần tiền. Khi hạnh phúc đã mất, tiền bạc, tài sản cũng thành vô nghĩa. Hôm nay, anh mời em ra đây chỉ để nói với em như thế mà thôi …”.
Nước mắt chị chảy tràn. Trên tất cả mọi điều, chị vẫn còn yêu anh lắm. Anh là người đàn ông duy nhất mà chị yêu. Xa anh, chị không chỉ hành hạ anh mà còn hành hạ chính mình. Chị biết chuyện anh gặp Cà Rốt mỗi ngày. Biết tất cả.
Trẻ con ngủ mớ thường nói ra hết những gì chúng cất trong lòng. Nửa đêm, Cà Rốt ôm cổ mẹ mà tưởng là bố, thủ thỉ: “Mẹ sửa bếp điện mãi mà không được, cứ bị giật hoài, bố ạ. Tội nghiệp mẹ nhỉ? Còn bố vá quần cho Củ Hành bị kim đâm vào tay phải không? Cũng tội nghiệp bố luôn. À, ngày mai khi bố đến, bố mua cho con que kem nhé. Con thèm ăn kem lắm, nhưng mẹ chẳng mua gì cả …”.
Rồi Cà Rốt lại nói, như nói với Củ Hành: “Ngày mai chị bảo mẹ pha sữa rồi đổ vào chai, đem đi cho Củ Hành nghe. Hay chị giấu mẹ, đổ sữa của chị vào chai cũng được. Chị uống mãi, chán lắm. Còn Củ hành lại thèm …”.
Càng nghe, chị càng xót. Chui đầu vào gối, chị cắn răng khóc rưng rức. Chị cũng nhớ Củ Hành, nhớ anh đến điên dại. Đêm nằm, chị cũng lắng nghe bước chân anh đi đi, lại lại trên lầu.
Thỉnh thoảng, chị lại lục tủ lấy chiếc áo của anh ấp mặt vào và khóc thầm. Nghe tiếng anh ho, lòng chị nhói buốt. Chị khao khát được anh ôm vào lòng, được xoa tay vào chiếc cằm lởm chởm râu của anh để âu yếm, được nép vào ngực anh, ngửi mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc …
Nhưng, người phụ nữ ấy cũng đã nép vào ngực anh, cũng ngửi mùi mồ hôi của anh. Chị lịm đi vì giận hờn, vì ghen tức. Chị không chấp nhận chia sẻ điều riêng tư ấy với bất kỳ ai.
Nhìn đôi mắt thâm quầng của chị, mẹ lắc đầu: “Ghen có năm bảy đường ghen, nhưng ghen mà đày ải mình như mày, mẹ mới thấy có một.
Nghe lời mẹ, tha lỗi cho chồng đi con. Tao nghe người ta bảo dạo này nó cũng sa sút tinh thần, sức khoẻ tồi tệ lắm …”.
Chị gắt: “Mẹ nói cứ như đùa. Đã ly dị rồi mà còn tha thứ nỗi gì. Mẹ đừng làm con rối tung lên nữa”.
Mẹ dỗi: “Vâng, tôi xin lỗi. Chuyện của chị tôi không có quyền xía vào. Nhưng tôi xót cho cháu tôi lắm. Chúng nó có lỗi gì mà phải xa bố, xa mẹ, sống mỗi đứa mỗi nơi chứ? Cứ ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình thì đừng sinh chúng nó ra. Ngày trước ấy à? Tôi mà không tha thứ cho bố chị, giờ này không chừng chị sống với mẹ ghẻ, chứ không phải tôi đâu”.
Nghe mẹ nói mà chị lạnh cả người. Sao chị không nghĩ ra điều ấy nhỉ? Nếu …, nếu người đàn bà kia trở thành mẹ ghẻ của Củ Hành, chị biết làm thế nào? Chị không muốn điều ấy xảy ra. Không phải vì chị sợ bà mẹ ghẻ ấy không thương yêu Củ Hành. Cái chính là trong sâu thẳm tâm hồn, chị không muốn mất anh.
Mắt chị càng thâm quầng hơn vì những đêm mất ngủ. Chị hối hận vì đã quyết liệt ly dị chồng.
***
Anh lặng lẽ nhìn chị. Câu hỏi bật ra khiến anh cũng run rẩy cả người: “Em còn yêu anh không? Em thù ghét anh, ly dị anh, nhưng trong lòng em còn yêu thương anh chút nào không? Nếu còn, dù chỉ là sợi chỉ mong manh, anh cũng xin em cho anh một cơ hội để làm lại từ đầu. Anh ngàn lần cầu xin em …”.
Nước mắt nhòa nhạt, nghẹn cứng trong lồng ngực, chị cứ nức nở, nức nở mãi. Thế rồi, chị đặt bàn tay run rẩy của mình lên tay anh. Anh lặng người.
Ở nhà trẻ, chỉ còn Cà Rốt và Củ Hành chơi lò cò trên sân.
Củ Hành bảo: “Hôm nay bố lại quên đón em rồi”. Cà Rốt cười: “Thì về với mẹ và chị . Càng sướng”. Củ Hành lại bảo: “Nhưng sao hôm nay mẹ cũng đó chị muộn thế?”. Cà Rốt tròn xeo mắt: “Ừ nhỉ”.
Hai đứa không chơi lò cò nữa, đứng gí mũi vào ô mắt cáo. Vừa lúc đó, những ánh đèn loang loáng rọi vào.
Củ Hành reo: “Bố đến rồi”. Cà Rốt cũng reo: “Mẹ đến rồi”.
Bố và mẹ cùng dựng xe, bước nhanh đến chỗ hai đứa trẻ. Cà Rốt giật giật tay Củ Hành: “Nhìn kìa. Bố nắm tay mẹ”. Củ Hành toét miệng cười: “Em đã bảo mà. Chơi mãi trò ly dị, chán lắm”…
Phạm Thị Ngọc Liên

Lưu trữ Blog