Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

Bồ câu không cần đưa thư

Từ bao đời nay chim bồ câu đã được mệnh danh là sứ giả của hòa bình, vài thế kỷ gần đây, bằng hình ảnh ngậm cành trám xanh, bồ câu nghiễm nhiên trở thành biểu tượng cho mong ước hòa bình của toàn nhân loại.
Chuyện Kinh thánh kể rằng, khi xưa Thượng đế sau khi tạo ra loài người, họ đã sinh sôi đông đúc và lương thiện. Nhưng rồi trong đám ấy có những kẻ biến chất, trở nên tham tàn, ác độc làm băng hoại xã hội loài người, Thượng đế quyết định trừng phạt loài người bằng một trận đại hồng thủy. Đời thứ 9 của Adam có một tộc gia đình kính thờ Thượng đế nên biết trước đại nạn này, họ đóng một con thuyền lớn và đưa cả gia tộc mình cùng muông thú họ có lên thuyền tránh nạn.
Trận đại hồng thủy diễn ra gần nửa năm, nhấn chìm toàn bộ nhân loại. Các lục địa cũng trở thành biển nước mênh mông. Sau gần nửa năm lênh đênh trên biển nước, tộc trưởng cho thả bồ câu đi thăm dò nơi có thể cập bến, lần thứ nhất chim bồ câu quay về vội vã vì không tìm thấy chỗ đỗ chân.
Lần thứ hai quay về chim mang theo một cành trám xanh, chứng tỏ nước đã hạ, đất liền đã hiện ra, sự sống còn tồn tại qua cành trám còn xanh mướt kia. Ông đưa gia tộc trở lại đất liền, từ đó loài người tiếp tục sinh sôi nảy nở, bồ câu ngậm cành trám cũng trở thành biểu tượng của sự sống và hòa bình.
pigeon 300x225 Bồ câu không cần đưa thưNhững năm 30 của thế kỷ 17, ở Đức có chiến tranh, nhân dân Đức đã lấy biểu tượng bồ câu ngậm cành trám thêu trên khăn bày tỏ khát vọng hòa bình của mình. Sau thế chiến thứ hai họa sĩ Picaso đã vẽ một bức tranh có biểu tượng này gửi Hội đồng hòa bình thế giới, từ đó trở đi hình ảnh chim bồ câu ngậm cành trám đã đi sâu vào tiềm thức của nhân loại trên toàn thế giới như một biểu tượng hòa bình trường tồn.
Nhưng nếu chỉ là biểu trưng, hoặc hình tượng hòa bình bằng sắt, bằng đồng có lẽ sẽ được khắc ghi sâu hơn, ít bị xâm hại hơn và có thể trường tồn trong cuộc sống, khi mà những giá trị sống thay đổi liên tục theo khuôn thước mà con người đặt ra cho nó.
Ở Venice, quảng trường St. Mark rộng lớn nổi tiếng thế giới vì có bầy chim bồ câu đông đúc và dạn dĩ, rất thân thiện với con người, nó chính là biểu tượng thu hút khách du lịch trên khắp thế giới về đây. Nhưng cũng chính sự phát triển du lịch làm cho bầy chim sinh sôi nhiều hơn nhờ khách du lịch hảo tâm cung cấp lương thực cho chim, chim nhiều đến nỗi phân chim phủ đầy các công trình kiến trúc lịch sử của Venice, chim còn kiếm canxi bằng cách mổ vào tường công trình, làm các công trình này xuống cấp nghiêm trọng, mặt khác một số chim mang một số bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cho con người vì vậy chính quyền đã có một số biện pháp ngăn chặn sự phát triển của loài chim hòa bình này, kể cả biện pháp đánh bắt.
Ở Việt Nam, sau Đại lễ ngàn năm Thăng Long, bầy chim bồ câu 1.000 con, được huấn luyện đưa thư và là biểu tượng hòa bình cũng bị bắt trộm và trở thành những món ăn bổ béo cho giới săn chim làm mồi nhậu,;những con chim được huấn luyện chu đáo cũng bị tóm để trở thành khách trọ vài giờ trong những cái nồi, cái chảo. Sau đó biến mất như vào cõi hư vô. Không phải vì sự gào thét thèm thịt của cái dạ dày con người mà bằng cái sự vô tâm và thiếu hiểu biết cũng như tâm lý “kiếm bất cứ thứ gì có thể kiếm”  của một số người cơ hội.
Nếu biểu trưng hòa bình không phải bằng xương bằng thịt thì có lẽ nó đã trường tồn và không bị đối xử thô bạo đến thế. Nó nên được tạo bằng các loại vật chất có tính vĩnh cửu. Lúc đó không ai có thể cắt tiết, vặt lông và làm thịt biểu tượng được. Chim bồ câu vẫn chỉ là chim bồ câu thôi, vẫn nấu cháo, vẫn quay mà người đời không bị mang tiếng là xâm hại một biểu tượng.
Mặt khác thời đại này đã có email. Và bồ câu không cần phải đưa thư.
Quân Fan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog