Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Mùa hè ở Ấn độ

Ngồi vắt vẻo trên ban công thả mắt xuống đường, tôi chợt thấy lòng mình vơi vơi đi một cái gì đấy. Vẳng từ xa tiếng leng keng của bát đĩa va vào nhau ở những hàng quán đêm. Âm thanh quen thuộc đến nỗi nếu một ngày không nghe chúng, tôi tưởng như mình chưa thể bắt đầu một ngày mới. Có lẽ, mỗi lần đi xa, nơi tôi nhớ nhất là cái ban công này, yên ả lặng ngắm tất cả mọi hoạt động từ trên cao xuống. Toàn cảnh chỉ là một khúc phố buồn với vài hàng quán nhỏ, nhưng lại là một cái gì đó không thể thiếu trong tôi.
Khúc phố đêm vắng thi thoảng có vài ánh đèn xe chạy qua, tiếng xe máy không đủ xé đêm mà chỉ giống như viên đá rơi giữa hồ, rồi tắt ngấm đi chưa hề có. Tiếng còi tàu đằng xa như nhắc tôi nhớ về những ký ức đã bị lãng quên. Đã đành con người ta sống ở thực tại và hướng đến ngày mai, nhưng cái ngày hôm qua sao mà đáng nhớ, nó khắc sâu đến nỗi tôi cảm thấy được cái nóng và hơi thở gấp gáp của những ngày qua. Thế nhưng bây giờ , mọi thứ đã thay trật tự. Thay vào mắt tôi chỉ còn thấy toàn là những thành phố tấp nập. con người cuốn mình vào dòng xoáy mãi không ngừng nghỉ, và chẳng bao giờ tôi còn bắt gặp được một khúc phố buồn cả khi thành phố đã về đêm, ngoài nơi này, một chút âm hưởng lặng lẽ còn sót lại. Đôi khi đi hoài đi mãi tôi cũng thấy lòng mình chùng xuống, mệt mõi và buồn bã tựa một kẻ lạc loài. Biết vậy, nhưng không làm sao ngừng lại được, vẫn phải bước tiếp dù lòng trống rỗng. Càng ngày tôi càng không biết tôi thuộc về nơi nào hoặc giả nơi nào thuộc về tôi, chỉ cảm thấy xa lạ và hờ hững. Chợt muốn mình về lại những ngày trước. dù đó là những ngày vui buồn không rọ rệt, còn hơn như bây giờ, không thấy vui cũng không buồn gì cả, như một cái gì đó lững lờ tồn tại trong cuộc sống này, nửa là có, nửa lại không.
Tiếng xe máy của em mang tôi về lại đời thực. Tôi biết là em vì đã quá quen thuộc với tiếng máy xe, ba tiếng khô khan, hai mạnh một yếu trước khi tắt máy. Em là vậy đó, tôi cũng không hiểu ý nghĩa của những tiếng máy ấy, em bảo chỉ là vui, nhưng vui với em cũng có thói quen. Tôi hơi làm lạ, giờ đã gần nữa đêm, sao em lại đến, em buồn? Như đọc được suy nghĩ của tôi, em cười: “Em nhớ Bụi”.
Tôi chở em lòng vòng qua vài con phố trước khi rẽ vào một con đường nhỏ có dốc lên thoai thoải. Cảm giác lên trên dốc rồi xuống dốc luôn làm cho tôi dễ chịu, gió táp vào mặt từng lớp, từng lớp, len vào tóc, vào tai, làm đôi mắt nhíu lại. Có lần em nói, mắc nhíu lại một chút, không gian bị thu hẹp lại nhưng những gì nhìn thấy sẽ thật rõ ràng. Có lẽ đó là cảm giác của bây giờ chăng. Ngoảnh về sau nhìn, em đang nhắm mắt lại, em không muốn nhìn cái không gian rộng trước mặt cũng không nhìn cái không gian hẹp rõ ràng. Với em, đôi khi con người không nên đi theo sự hướng của mắt, mà là của tâm. Chúng tôi vào một quán ở cuối con dốc, Bụi – tên của quán, đã trở thành một nơi quen thuộc của tôi và em. Quán mở suốt đêm, hai đứa chọn bàn ngoài nhất, có thể ngắm được con dốc thoải dần ra xa. “Hôm nay quán ít bụi, Bác nhỉ?”, Bác chủ quán cười, “Ừ, bụi về ngủ rồi.”, rồi đem ra hai tách cà phê, một đen một sữa và một ấm trà. Mọi thứ đã trở thành thói quen và sự thân thuộc, bác quá hiểu tôi và em chỉ gọi món ấy thôi, đen cho tôi và sữa cho em. Đôi khi hai đứa không hẹn nhau, nhưng đi lòng vòng rồi cũng gặp nhau ở đây.
Bụi, nghe ngồ ngộ, lần đầu hai đứa tha thẩn cuối dốc tình cờ bắt gặp Bụi, em hỏi Bác, “Sao là Bụi, hả Bác?” Bác cười, mắt ấm, “Ừ, Bác mong nơi này là nơi đọng lại của Bụi, để rồi tìm được một chút thanh”. Mắt em long lanh “Vậy chúng cháu cũng là bụi, hả Bác”. “Ừ, bụi nhỏ nhưng trong”. Em và tôi mến Bác lắm, Bác hiền lành, trầm tính và sâu sắc, Bác yêu quý và hiểu khách của mình, trà đậm một chút, bỏ đá ít thôi, cà phê cho nhiều sữa vào, sở thích mỗi người Bác đều nhớ. Không gian quán chỉ là một gian phòng nhỏ, bàn vuông và ghế cao, nơi tập trung bụi như chúng tôi, nhưng lại không đậm đặc bồn bệ mà lại thanh và trong lắm.
“Cảm ơn Bác”, tôi hiểu em muốn nói gì, hôm nay quán cắm thạch thảo, loài hoa em thích và tình cờ Bác biết em yêu cái tím xanh ấy, âu yếm như một cái hôn của người cha đặt lên trán em khi Bác thay tất cả hoa hồng thường ngày bằng thạch thảo. Nhìn em mân mê những cách hoa bằng sự vui thích chỉ thấy trong mắt của trẻ con, tôi nhớ lại những ngày đầu quen em..
Bảy tháng trước, không thể chịu nổi sự ngột ngạt đến nghẹt thở của bốn bức tường, tôi phóng xe chạy mãi, chạy mãi mà không cần biết sẽ đi đâu, miễn là có đi, vậy thôi. Trời chuyển sắc xám, mưa về, chợt nhớ tha thiết cái sắc xám lạnh của biển những ngày giông. Tôi phóng thẳng đến biển, thả mình xuôi theo những cốn cát đang bị cuốn tung mù vì gió lớn, cảm giác vỗ về một chút bản thân. Lúc trước tôi cũng hay ra biển, với Thanh, nhưng biển của Thanh mang màu dìu dịu, xanh như đôi mắt ngây thơ của em, không phải là màu xám của tôi. Tôi thích biển những lúc nổi giông, Thanh không hiểu nổi cái sở thích lạ lùng ấy, vì biển lúc đó thật dữ dội như muốn cuốn hết mọi thứ và phá hủy mọi thứ trong vòng xoáy của mình. Và như lẽ tất nhiên, màu xanh ấy và màu xám của tôi không thể có cùng trên biển, chúng xa nhau như ngày nắng và ngày mưa vậy. Thanh không thể nhận ra điều đó, em trách tôi, nhưng biết làm sao khi tôi cũng không thể tìm được sự bình an trong mình, chỉ mong em sẽ được bình an trong màu xanh của em.
Con người gặp nhau âu cũng có thời điểm thích hợp. Biển hôm ấy vắng, hình như hôm qua đài thống báo có bão, những con tàu đánh cá xa bờ cũng đã được gọi về. Giờ đây, trên bãi cát này, chỉ còn tôi. Mà không, đằng xa thấp thoáng một cái dáng bé bé gầy gầy, đang tiến dần ra biển, lẩn vào những đợt sóng lên như đang tìm vật gì đó. “Nó làm gì vậy nhỉ, nó không biết rằng có thể bị sóng nhấn chìm và cuốn đi khi cứ loay hoay đi ra xa như vậy không?” Tôi kéo nó vào, ngước nhìn tôi với đôi mắt xám của sóng, “anh làm gì vậy?” à, một cô nhóc, mặc em vùng vằng, tôi kéo em lên bờ, không phản kháng, em bước đi theo sức đẩy của tôi. “Em không nên ra sâu ngoài biển vào lúc này, mà em làm rơi cái gì à?” Em gật, “nhưng không phải làm rơi, em tìm cái này”, xòe bàn tay nãy giờ nắm chặt, em cho tôi xem một con còng nhỏ tím, “thạch thảo của biển đấy”, em cười, trông mỏng manh như thạch thảo của đời. Tôi quen em như vậy, và sau một vài lần gặp nhau theo cái duyên của những người đến cùng thời điểm, chúng tôi thân nhau hơn. Dần dần tôi hiểu được phần nào cái sắc xám và những con sóng trong em. Em giống như sóng vậy, em vui tính, đi với em tôi luôn được nghe biết bao nhiêu chuyện ngồ ngộ và cảm thấy vui. Nhưng gần em tôi hiểu, bởi em sợ người ta không hiểu em, nhưng lại có thói quen nếu biết họ hiểu mình, em sẽ xa họ. Vui là vậy, nhưng thi thoảng gương mặt em như chìm vào một góc tối nào đó, ánh mắt hụt hẵng và xót xa như một con thú bị dồn đuổi. Nhưng hình ảnh ấy thường lướt qua nhanh, em trở lại với vẻ bình thản lạ lùng, hay chính là sự kìm chế đã thành thông lệ, em cứng rắn đến nỗi nhìn vào mắt em, tôi không còn thấy cơn giông nào thoáng qua nữa
.
Bây giờ, ngồi bó gối cạnh tôi cũng vậy, mặt em bình thản, nhưng tôi chưa kịp nhận ra có con sóng lớn nào đã qua hay không. Em hát khẽ theo điệu rock “Wind of change” của Scorpions. Bác biết em thích bài này nên hay mở mỗi lần em đến.
Tôi và em yêu cái quán này, về một điều cụ thể, không, mà nếu có, cũng chỉ gọi là bụi thôi. Thả mắt ra xa phía con đường tối sẫm của đêm, cứ nhìn như thế, không nghỉ ngợi và cũng không rõ rệt nhìn gì. “Gặp được bình an chưa?”, “Ừ”, “Còn em, sao lại đột ngột đến mà lại muộn như vậy?”. Em cười, “không rõ lắm anh à, nhưng em nhớ Bụi, nhớ mùi tóc anh, nhớ dòng sông đục ngầu với bông lục bình tím xanh, nhớ mái nhọn nhà thờ, và nhớ mưa”. Em sao thế nhỉ, đột nhiên sao tất cả lại ùa vào một nỗi nhớ bộn bề. Em làm tôi nhớ lại những ngày qua, khi hai đứa cứ lông ngông cả nắng cả gió đi khắp nơi, vui sướng như trẻ nhỏ được điều mình yêu thích. Chúng tôi có thể đi mãi, đi mãi, điều mà không bao giờ hai đứa hoài nghi về sự lưỡng lự ở nhau, một niềm đam mê mãnh liệt với những vùng đất mới. Trong chúng tôi dường như có một phần tâm hồn của người kia, để mà đôi khi mất phương hướng, soi vào nhau để vỗ về cho hoài bão của mình. Và hiếm khi nào chúng tôi hỏi nhau tại sao, liệu ta có đủ thời gian để vấn giải hết những khuất mắc của mình, và liệu có kịp để quan tâm đến người khác mà không cần biết vì sao họ như vậy. Chỉ cần sự thỏa hiệp của thích, không thích, muốn, không muốn và vui không, vậy là đủ.
Gần em, đi với em tôi thấy mình thanh thản, lòng yên bình quên đi những va vấp hằng ngày, quên sự lạc lõng, quên cảm giác bất đắc chí, quên những gương mặt vô cảm hay chứa quá nhiều cảm xúc. Chỉ còn lại những buổi dầm mưa rét run không đứa nào chịu mặc áo mưa, để cho hơi lạnh ùa cả vào thân cùng gió, làm đông đặc sự trống trãi ám ảnh bao ngày. Để rồi mấy ngày sau, họ sù sụ và co ro như con mèo ướt, thế mà gặp nhau, mắt lại vui, “hết bệnh rồi, đi nữa hả anh?”. Cau mày làm nghiêm với em, nhưng trong đầu đã có những con đường rộng, những bãi bờ hoang dại – thành quả của những ngày nắm nhà vì bệnh. “Ráp lại là vầy sao?”, cười, ừ, thì vậy.
Rời quán, chúng tôi dắt xe thả bộ xuống dốc, cư đi, không cần biết trên dốc có gì và cuối dốc bên kia có bao nhiêu ngã rẽ. Đêm trả lại em góc tối của mình, nhỏ bé và lạc lõng. Chợt em run rẩy, ánh mắt sợ hãi và đau đớn như vừa trải qua một cơn biến cố hoặc giả biến cố đã quay vế ám ảnh gây đau khổ cho em. em nắm tay tôi, đôi tay lạnh buốt như vừa từ đáy đại dương tìm về. “Anh không biến mất chứ?”, tay em siết mạnh, như thể em không còn đủ sức để tin vào những vật hữu hình trong cuộc sống nữa. Rồi buông tay tôi ra, lặng đi, nhưng đôi mắt ráo, em không khóc, chỉ thấy những đợt sóng xám xô mãi vào bờ. Nguôi dần, em lại trở về vẻ bình thản cố hữu, dù thật dù giả trong bản thân em. Tôi chưa bao giờ hỏi em, về những cơn biến cố hình thành nên tính cách em, tôi đón nhận em như cách em thể hiện, và yêu quý nó, vì em là như vậy, không cần phán xét, không cần giải thích, và có lẽ cách đó an ủi em nhiều.
“Anh có nghe người ta nói về “Mùa hè ở Ấn độ chưa?”. Tôi lắc đầu, em trả lời, mắt nhìn về phía con dốc, “nghĩa là trước một mùa đông dài lạnh lẽo, sẽ có những ngày ngày ấm áp, trước những ngày mưa dầm, sẽ có những ngày nắm đẹp. Và dù nó ngắn ngủi, nhưng nó giúp con người ta sống vì cái đẹp của mình, với em, anh cũng là một Mùa hè ở Ấn độ”. Tôi cười, em ví tôi cùng cái thời gian vô tận, cứ trôi, cứ trôi, còn tôi chỉ là một điểm thời gian, liệu tôi có đủ sức cho em những ngày nắng ấm đủ để vượt qua những ngày bão lạnh không. “Với em, một điểm thời gian là cả một đời”.
indian summer in Lithuania Mùa hè ở Ấn độ
Hai tuần rồi em không đến tìm tôi, em bận, hay em bệnh, hay em không nhớ tôi nữa. Mỗi ngày sao tôi lại cứ ngóng em, tôi mơ hồ nhận ra dường như em đã trở thành sự thân thuộc bên mình. Tôi nhớ mái tóc rối với hương của cỏ đá, nhớ cái dáng gầy mỏng manh, nhớ ánh mắt ẩn hiện những con sóng ngày giông.
Mọi mối quan hệ của mình tôi ghét sự ràng buộc, với tôi sự thoải mái là điều ràng buộc tốt nhất. Nhưng dường như, mọi mối quan hệ đều có sự ràng buộc, và trách nhiệm của nó. Giống như có lần em nói, con người trên đời không dễ mà gặp được nhau, gặp được là duyên, và cái duyên đó khơi mào trách nhiệm cho những mối quan hệ. Tôi và em có gọi là duyên của những người đến cùng thời điểm, và đến cùng một lúc nào đó liệu có cần sự ràng buộc khô khan của trách nhiệm níu giữ không. Giữa tôi và em không cần sự kéo dài nhợt nhạt, chỉ cần thứ tình cảm của tâm hồn. Bởi xét cho cùng, dù ngắn dù dài cũng chỉ có thể đi cùng nhau một đoạn đường thôi, và đời người phải nên có những cuộc chia tay để cho cuộc sống được tiếp diễn, tiếp diễn bằng sự chắp vá của giai đoạn và sự thay đổi quan hệ. Nhưng tôi nhớ em, rất nhớ em, không cụ thể mà là tất cả, những ngày nắng, những ngày mưa, những ngày bão, những ngày lạnh, vui, buồn, sợ hãi, lạc lõng, lãnh đạm, tất cả, là em.
Tôi đến Bụi chờ em, Bác đón tôi, mắt buồn, “Con có thư”, thư của em
- “Anh, em sợ, em sợ những gì trở thành thân thuộc trong cuộc sống của mình, rồi mất. Thôi thì, anh, mãi chỉ là một mùa hè ở Ấn độ thôi”
Tôi hiểu Bác chủ quán buồn gì, con sóng ngoài kia vẫn quất tả tơi những con thuyền không kịp về tránh bão, điệu rock lạc lõng.
“In the wind of change
Walking in the street, distant memories
Are buired in the past forever..”
Thư ngắn, ừ ngắn thật, đôi chỗ bị nhòe. Nhòe? Mà không, em chưa bao giờ khóc..
Ali

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog