Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

Chuồng chim bồ câu

1. Ở thành phố, việc tìm một cuốn sách hay một tờ báo có lẽ là việc dễ dàng nhất. Bước chân ra đầu ngõ đã thấy các quầy bán sách báo với hình những cô người mẫu, diễn viên xinh như mộng tung tăng phấp phới bay trên dây các quầy hàng. Và chỉ cần bước thêm mấy bước nữa đã gặp những xe bán báo dạo nối đuôi nhau phát ra điệp khúc của đô thị mà không ít người thuộc lòng: “báo an ninh thủ đô, an ninh thế giới, pháp luật cuộc sống số ra ngày…”. Cũng không khó để tìm cho mình một địa chỉ mua sách trung thành để mỗi khi có dịp lại ghé qua chọn vài cuốn rồi tìm một không gian bình lặng trong một quán cafe nào đó mà đọc đến quên về.
Có cảm giác như sách báo ở thành phố cũng giản đơn như mớ rau, mớ tép nơi quê nhà vậy. Các bà bán xôi đầu mỗi con hẻm chẳng vẫn thường dùng sách báo cũ mà gói ghém thứ quà sáng tinh tươm ấy cho đượm màu mực in tèm lem đó sao. Hay như mấy chị bán hoa dọc thành phố cũng bó gọn những chụm hồng, chụm cúc bằng thứ báo giấy đó sao. Đôi khi, nhìn những điều hiển nhiên cũ nhèm đó lại thấy chạnh lòng với tuổi thơ ngút ngát sao trời, khi mà yêu những trang sách báo cũ như yêu những điều thiêng liêng vậy…
… Lần đầu tiên bước vào thư viện sách là khi tôi học lớp 5. Đó là khi thư viện xã mới được xây xong, còn hăng hăng mùi vôi vữa, và thơm mùi thảo mộc vương vất trên kệ sách. Một buổi chiều tan học về sớm, tôi đánh bạo bước vào cái không gian mà chưa một lần được biết đến chứ nói gì đến đặt chân. Một thứ cảm giác mát dịu mơm man trong tâm trí bé con của tôi, nó không đơn thuần là niềm vui chất chứa trong những gói bỏng ngô mỗi lần mẹ đi chợ về, hay tấm áo hoa xa tanh mỗi dịp Tết.
Thư viện xã có một chị thủ thư trông coi, kiêm luôn việc gửi thư của xã ra thị trấn để từ đó chuyển đi khắp nơi. Trong sân thư viện, bên cạnh gốc đa cổ thụ xanh mướt mát, một hòm thư giống hệt chuồng chim bồ câu nhà tôi, mới tinh vàng kè trên nắp có ghi mấy chữ màu xanh: Thư viện xã. Một chiếc bàn dài và to, quét vecni bóng loáng đặt giữa khuôn viên nhà, kiểu bàn mà bây giờ người thành phố vẫn dùng để ăn tiệc. Và những kệ sách cao quá đầu (tất nhiên rồi, ngày đó tôi mới học lớp 5 mà) nối nhau, nối nhau chạy đến tận…góc nhà. Trên đó, gáy những quyển sách to nhỏ, đen vàng được xếp ngay ngắn, tuy không nhiều nhưng cũng đủ hoa mắt với bất kỳ đứa trẻ quê nào. Tôi đã mê mẩn, đã đắm mình trong không gian sách vở đó và thầm ước, giá tất cả là của mình hoặc nếu không thì cũng có thể ôm tất cả về nhà để chìm vào trong những thế giới thần tiên.
Còn nhớ, quyển sách đầu tiên mà tôi đọc trọn vẹn là quyển truyện cổ Grim của Andecxen. Những trang sách ố vàng màu thời gian đóng hộp ủ cả miền cổ tích xa lắc, ủ cả tuổi thơ với thứ mùi êm êm ngòn ngọt. Hương bay ra quyện cả với áo quần, và cả bàn tay nhỏ xíu. Ở nơi ấy, nàng tiên cá đã phải đánh đổi giọng hát thiên thần và suối tóc như mây của mình cho mụ phù thủy để được lên bờ vì trót yêu hoàng tử. Và từ đó, nàng không còn bao giờ trở về thủy cung cùng cha mẹ, anh chị mình được nữa vì nàng không còn chiếc đuôi mà thay vào đó là đôi chân của loài người. Trong giấc mơ thiêm thiếp của mình đến tận bây giờ, tôi vẫn thường mơ về nàng tiên cá, vẫn thường nghĩ rằng nàng đang ở đâu đó, ở một vùng biển nào đó mà mình đặt chân để khắc khoải trong nỗi cô đơn và hoài nhớ. Cảm giác của tuổi thơ thật lạ. Ám ảnh ngọt ngào.
bird cage Chuồng chim bồ câu
2. Rồi buổi chiều đó nối tiếp những buổi chiều khác, tôi thường đạp xe về nhà muộn hơn. Muộn hơn rất nhiều những chiều vào đông tối sớm. Chị thủ thư dần dần cũng quen mặt, lần nào đến cũng có thứ gì đó cho tôi, khi thì củ khoai, khi thì bắp ngô luộc, hay những chiếc kẹo xanh đỏ chẳng biết rõ mùi vị. Có những chiều, lũ trẻ trong xóm kéo đến chật cả chỗ ngồi, la liệt sách được bày lên bàn chở những ước mơ non nớt của chúng tôi lượn lờ như tàu bay giấy. Chúng tôi lặng im gặm nhấm thế giới của riêng mỗi đứa, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nhau như dò xét mày đang lạc vào thế giới nào. Cái không gian, sự ấm cúng đó quen thuộc đến nỗi tôi tưởng chừng như đưa tay ra là có thể chạm được. Đứa nào cũng háo hức với những gì khám phá, rôm rả và xôm tụ hơn trong câu chuyện mỗi ngày lên lớp. Hạnh phúc khi đó giản đơn chỉ là những trang sách ố vàng nhưng thơm miền cổ tích.
Thư viện xã dường như chỉ dành riêng cho tụi con nít chúng tôi thì phải. Cái chuồng chim bồ câu trước cửa cũng chẳng mấy khi có thư để chị thủ thư phải miệt mài. Cây đa cổ thụ ra quả đỏ au từng chùm như thắp đèn lồng đỏ treo trên phố thị mỗi dịp tết bây giờ, rụng chi chít gốc cây.
10 tuổi, tôi thấy thư viện xã thật kì diệu. Có những cuốn sách to bằng tất cả bàn tay của mấy đứa chúng tôi gộp lại, nhưng lại có những cuốn bé tẹo chỉ đút vừa túi quần tôi. Khi tôi chưa thể đi hết những miền cổ tích đó thì thư viện đã đóng cửa. Tôi cứ băn khoăn mãi một điều rằng, không biết những miền cổ tích của tôi sẽ lạc về đâu, có được những đứa trẻ mắt thao láo khẽ khàng lật từng trang hay không.
Thư viện đóng cửa vào một chiều đông ảm đạm. Lá đa bay xao xác cả quãng đường dài về nhà. Tôi cứ mải miết đạp xe, thấy gió táp vào mắt cay xè. Lũ bạn tôi cũng cắm cúi đạp, chẳng đứa nào nói với nhau câu gì. Nhưng tôi biết bão tố đang cuộn lên trong lòng bọn nó.
Dọc cả tuổi thơ, tôi vẫn đạp xe qua khu thư viện cũ giờ đã là cây xăng chình ình. Chẳng biết vì sao người ta đang tâm xây nên rồi lại đang tâm phá bỏ. Có lẽ cổ tích thì mãi chỉ là cổ tích mà thôi và không thể bằng những gì hiện hữu được.
3. Ngày đó, tôi cứ ước một ngày nào đó, hay một chiều nào đó đi ngang qua đấy lại thấy một thư viện với chuồng chim bồ câu vàng kè trước cửa. Tôi hứa, tôi sẽ không khư khư giữ nó cho riêng mình, sẽ san sẻ miền cổ tích đó cho cả những cụ già bằng giọng kể của mình. Nhưng, giấc mơ cổ tích đã chắp cánh bay là một đi không trở lại. Như nàng tiên cá chẳng thể trở về với biển cả được nữa. Tôi không tủi mà chỉ thương những rong ruổi của tuổi thơ quê nhà với ước mơ về một thư viện sách có chuồng chim bồ câu trước cửa.
Phố thị thì dường như được ưu ái hơn. Có quá nhiều những thư viện sách, quá nhiều những nhà sách, những sạp báo nhan nhản chen chúc nhau trong một thành phố tí tẹo. Vậy mà, ngày càng nhiều người ta nói về sự suy giảm của văn hóa đọc. Có lẽ cái gì nhiều quá cũng không tốt, mà nhiều đến mức thừa mứa thì lại càng không tốt. Hay khi quá đủ đầy thì sự thiếu thốn không còn được định nghĩa.
… Mỗi lần nhìn những gói xôi được vun vén ngon lành trong những tờ sách báo cũ, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Đã có thời, xa lắm rồi, tôi từng ước có thật nhiều báo cũ để đọc và để bọc sách vở mỗi dịp đầu năm học mới. Và đã phải gò lưng đạp xe gần mười cây số ra phố thị chỉ để mua những tờ báo không vẹn nguyên đó. Niềm vui không ngờ chỉ nhẹ tênh đến vậy.
Tuổi thơ không trở về cùng tôi được nữa. Cũng như giấc mơ thoảng mùi thảo mộc chẳng thể nào đem nàng tiên cá trở về với chuồng chim bồ câu vàng kè. Tôi đã có cho riêng mình nàng tiên cá để mỗi khi nhớ lại mơ về. Nhưng vẫn gói ghém giấc mơ xưa….
 Yến Hoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog